Các nhà đầu tư đề xuất TP HCM lập trung tâm ươm tạo các startup lĩnh vực kinh tế xanh để thuận tiện hút vốn và thí điểm chính sách.
Ý tưởng được một số nhà đầu tư nêu trong buổi gặp gỡ của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi với gần 20 lãnh đạo các quỹ đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước tối 8/12, thuộc khuôn khổ chung kết cuộc thi “Thách Thức Net Zero 2023”.
Ông Trần Nhật Khanh, Nhà sáng lập quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) nói cả nước và TP HCM đã có nhiều vườn ươm và trung tâm tăng tốc khởi nghiệp nhưng chưa có nơi nào dành riêng cho các “startup xanh” – tức các dự án có liên quan đến phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon.
Vì vậy, ông đề xuất TP HCM nghiên cứu thành lập “Green Hub”. Ngoài ươm tạo startup, nơi đây còn là đầu mối để các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực này tìm đến, cũng như giúp giải quyết các thủ tục hành chính, thí điểm các chính sách hỗ trợ từ việc tận dụng tối đa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố. “Về hình thức, tôi đề nghị hợp tác công – tư cho Green Hub”, ông Khanh nêu.
Ông Phan Nhật Minh, Trưởng chi nhánh Việt Nam quỹ Gobi Partners (Malaysia) cũng quan tâm đến địa điểm mà TP HCM có thể triển khai thử nghiệm được các cơ chế chính sách hỗ trợ (mô hình sandbox) cho startup xanh.
Từ trải nghiệm thực tế, ông Minh cho hay kinh tế xanh là một lĩnh vực rộng và mới, nhưng khi startup xanh đăng ký thành lập doanh nghiệp thì phải chọn các mã ngành truyền thống chứ không có mã ngành riêng về kinh tế xanh.
“Một số startup làm kinh tế xanh được xếp vào ngành môi trường. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện và hạn chế đầu tư nước ngoài”, ông cho biết. Vì vậy, để hút vốn ngoại vào startup xanh thì cần có nơi triển khai sandbox kinh tế xanh, tương tự như kế hoạch sandbox trong ngành tài chính, theo ông Minh.
Phản hồi đề xuất về Green Hub, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đồng ý một số ngành nghề mà startup xanh đang phát triển là mới mẻ, chưa có trong quy định để đăng ký kinh doanh. Do đó, cần có một trung tâm tăng tốc và triển khai chính sách thí điểm.
“Với Green Hub, chúng ta có thể thiết kế và đề xuất với cấp có thẩm quyền để nó là một địa chỉ được ghi nhận trong luật, có quy chế hoạt động, nhằm có thể vận hành như một sandbox”, ông Mãi khái quát ý tưởng.
Bên cạnh đề xuất Green Hub, một số tổ chức cũng quan tâm đến triển vọng thị trường trái phiếu xanh và tín chỉ carbon. Ông Alex Downs, Quản lý đầu tư Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) cho hay đang chờ thị trường tín chỉ carbon.
Trong khi đó, tổ chức liên chính phủ Global Green Growth Institute sẵn sàng tham gia thảo luận với TP HCM nếu địa phương có ý định triển khai trái phiếu xanh. Ngoài ra, Trưởng đại diện tại Việt Nam Juhern Kim muốn sớm mở văn phòng tại TP HCM, bên cạnh văn phòng hiện có ở Hà Nội.
Theo khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, TP HCM tập trung 4 trụ cột: nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch – tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh); nhóm ngành/ lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh – đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh).
Ông Lim Hock Chuan, Giám đốc Chương trình Temasek Foundation (Singapore) khuyến nghị phát triển kinh tế xanh bằng mô hình hợp tác công – tư (PPP) và sẵn sàng tham gia. “Tôi đề nghị TP HCM chia sẻ thông tin chi tiết hơn về các trụ cột chiến lược để nắm rõ khả năng có thể tham gia cụ thể ra sao”, ông nói.
Temasek Foundation, cùng với Touchstone Partners và Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng là các đơn vị phối hợp tổ chức “Thách thức Net zero 2023”. Chiều 8/12, cuộc thi xướng tên 3 đội xuất sắc nhất. Trong đó, Alterno thắng hạng mục “Năng lượng tái tạo & trung hòa carbon” với giải pháp sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát.
Forte Biotech đứng đầu về “Hệ thống lương thực & Nông nghiệp bền vững”, với giải pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh tại chỗ bệnh ở tôm. AirX Carbon được gọi tên ở hạng mục “Kinh tế Tuần hoàn & Quản lý Rác thải” nhờ sản xuất vật liệu thay thế nhựa từ chất thải sinh học với chi phí cạnh tranh.
Vượt qua hơn 300 hồ sơ đăng ký từ 45 quốc gia, 3 dự án này nhận giải thưởng 15 tỷ đồng không quy đổi cổ phần để triển khai thực tế. Sau lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, ông Phan Văn Mãi cho biết sẽ nghiên cứu để đưa “Thách Thức Net Zero” sớm trở thành cuộc thi khởi nghiệp xanh chính thức của TP HCM.
Viễn Thông