Lính Ukraine ở bờ đông sông Dnieper chịu sức ép từ hỏa lực Nga, phần lớn thiếu kinh nghiệm, có người không biết bơi dù là thủy quân lục chiến.
Quân đội Ukraine giữa tháng 11 vượt sông Dnieper và thiết lập thành công đầu cầu ở bờ đông, đánh dấu bước tiến trong chiến dịch phản công ở mặt trận Kherson.
Một số nhà phân tích nhận định việc thiết lập được bàn đạp ở đây sẽ tạo điều kiện để lực lượng Ukraine đánh nống xa hơn về phía nam, cắt đứt hành lang trên bộ của Nga nối bán đảo Crimea với vùng Donbass.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần đề cập tới chiến dịch vượt sông Dnieper, cho rằng đây là khởi đầu của một bước tiến đáng kể trong cuộc phản công của Kiev.
Quân đội Ukraine hôm 3/12 cho biết lực lượng nước này đang củng cố vị trí ở bờ đông sông Dnieper và “đang nã hỏa lực vào quân địch”, sau khi đã tiến thêm được 3-8 km.
Tuy nhiên, tình hình không thực sự khả quan như giới chức Ukraine nhận định. BBC ngày 4/12 dẫn lời một binh sĩ Ukraine cho biết lực lượng nước này tại bờ đông đang ở trong tình thế rất khó khăn, thêm rằng họ đã hứng chịu thiệt hại lớn trong nỗ lực vượt sông.
“Chúng tôi liên tục bị đối phương nã đạn trong lúc tìm cách sang bờ bên kia. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh những chiếc thuyền chở đồng đội của mình bị trúng đạn và biến mất trong làn nước, vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông”, binh sĩ Ukraine nhớ lại.
Người này cho biết lực lượng Ukraine phải mang theo máy phát, nhiên liệu và thực phẩm để có thể xây đầu cầu ở bờ đông sau khi khi vượt sông. Ban đầu họ nghĩ rằng lực lượng Nga sẽ rút lui khi thấy lính Ukraine lên được bờ, tuy nhiên thực tế diễn ra hoàn toàn khác.
“Khi chúng tôi đến được bờ đông, đối phương đã chờ sẵn. Họ tấn công chúng tôi bằng mọi thứ có thể, từ pháo, súng cối cho đến súng phun lửa. Tôi đã nghĩ mình sẽ không thể sống sót”, binh sĩ Ukraine nói. “Tù binh Nga sau này tiết lộ rằng lực lượng của họ đã được chỉ điểm về cuộc đổ bộ và biết rõ nơi chúng tôi sẽ lên bờ”.
Dù vậy, vài trăm lính thủy quân lục chiến Ukraine đã đào được hào và thiết lập cứ điểm thành công, một phần nhờ hỏa lực yểm trợ của đồng đội ở bờ tây. Tuy nhiên, nỗ lực giữ vững vị trí của họ gặp nhiều khó khăn trước hỏa lực mạnh mẽ của lực lượng Nga.
“Hàng ngày chúng tôi phải nấp trong rừng và hứng chịu hỏa lực của đối phương. Chúng tôi mắc kẹt do mọi lối đi đều đã bị gài mìn. Thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga liên tục quần thảo, sẵn sàng tập kích khi phát hiện chuyển động”, anh nói.
Vladimir Saldo, lãnh đạo tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm, giữa tháng trước cho biết lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper đã phải đối mặt với “lửa địa ngục” từ pháo binh, tên lửa và UAV cỡ nhỏ của Nga. “Chỉ trong hai tới ba ngày, đối phương đã tổn hại khoảng 100 người”, ông nói.
Theo nguồn tin của BBC, tuyến tiếp tế của lực lượng Ukraine ở bờ đông bị lính Nga theo dõi nghiêm ngặt, khiến họ bị thiếu nước uống. Tình thế được dự báo là trở nên tệ hơn khi giá rét tràn về, dù họ có mang theo máy phát, pin sạc và áo ấm cho mùa đông. “Tình hình thực tế ở đây đang bị che giấu, nên sẽ không có gì thay đổi trong thời gian tới”, binh sĩ Ukraine tiết lộ.
Anh cũng cho biết họ cảm thấy mất phương hướng, cho rằng mình có thể đang bị cấp trên “bỏ rơi”.
“Không ai biết mục đích tiếp theo là gì. Nhiều người tin rằng giới chỉ huy đã bỏ rơi chúng tôi. Họ cho rằng chiến dịch vượt sông chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là quân sự”, anh chia sẻ.
Một số nhà quan sát cũng có quan điểm tương tự. Họ nhận định đầu cầu mà Ukraine thiết lập được ở bờ đông sông Dnieper quá nhỏ để vận chuyển khí tài hạng nặng qua sông, nên khó có thể mở chiến dịch tấn công lớn về phía nam.
“Chiến dịch chủ yếu mang tính biểu tượng, cho phép Kiev đưa ra tuyên bố về chiến thắng cục bộ sau thất bại trong chiến dịch phản công mùa hè”, Michel Goya, cựu đại tá lục quân Pháp, nêu quan điểm.
Tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny đầu tháng 11 cho biết chiến dịch phản công của Kiev đang đi vào bế tắc, tiết lộ rằng quân đội nước này chỉ tiến được khoảng 17 km sau 5 tháng tiến hành chiến dịch. Tổng thống Zelensky khi đó bác bỏ thông tin này, song tuần trước thừa nhận cuộc phản công của Ukraine “không đạt được kỳ vọng”, tuy nhiên khẳng định Kiev sẽ không rút lui.
Giống như nhiều mặt trận khác ở Ukraine, giao tranh ở Dnieper là một cuộc chiến về sức bền, bên nào duy trì được lực lượng tốt hơn sẽ thắng. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine ở đây chỉ có vài đại đội thay vì vài sư đoàn như tình thế yêu cầu. Phần đông còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm lẫn kỹ năng chiến đấu.
“Chúng tôi cần người, nhưng phải là nhân lực được huấn luyện kỹ chứ không phải những tân binh mới chập chững cầm súng. Có những người mới chỉ được đào tạo có ba tuần và bắn được vài phát đạn”, lính Ukraine cho biết. “Đây là một cơn ác mộng”.
Binh sĩ này cho rằng phần lớn những ai sẵn sàng ra chiến trường đều đã tình nguyện nhập ngũ từ trước và lực lượng bổ sung hiện nay chủ yếu là những người bị ép phải cầm súng, thiếu ý chí chiến đấu. “Một số lính thủy quân lục chiến của chúng tôi thậm chí còn không biết bơi”, anh tiết lộ.
Anh cũng cho biết nhiều đồng đội của mình đã phải trả giá bằng sinh mạng vì thiếu kinh nghiệm.
“Phần lớn thương vong của chúng tôi là do sơ suất. Người thì không leo lên chiến hào đủ nhanh, người thì ẩn nấp không kỹ. Chỉ cần thiếu cảnh giác một chút là chúng tôi sẽ bị nhắm bắn từ mọi phía”, binh sĩ Ukraine chia sẻ, thêm rằng họ cũng gây thiệt hại lớn cho Nga bằng tên lửa và UAV.
Anh cho biết bản thân cảm thấy “như vừa thoát khỏi địa ngục” sau khi được rút về do bị chấn động não vì trúng mìn. Tuy nhiên, binh sĩ này sắp phải quay trở lại chốn “địa ngục” đó một lần nữa.
“Đợt luân chuyển kế tiếp sắp đến và tôi sẽ phải một lần nữa vượt sông Dnieper”, anh nói.
Phạm Giang (Theo BBC)