Gạo ST25 lần thứ hai thắng giải gạo ngon nhất thế giới ngay trước khi Festival Lúa gạo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức từ 11 – 14.12.2023 tại Hậu Giang. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu Việt Nam về những cơ hội của hạt gạo Việt Nam xung quanh sự kiện này.
* Thưa GS Võ Tòng Xuân, năm 2019 ông đã trực tiếp có mặt tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” và chứng kiến khoảnh khắc gạo Việt Nam được xướng tên. Năm nay, cũng chính giống gạo đó được vinh danh lần hai, cảm xúc của ông thế nào?
-Đầu tiên là một người Việt Nam lại là người gắn bó với cây lúa nhiều năm thì cảm xúc của tôi là vui mừng và tự hào.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút về cuộc thi. Nó được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị của các nhà buôn gạo trên thế giới (chủ yếu các nước châu Á) do Công ty The Rice Trader thực hiện. Họ là những nhà làm thương mại nên cách thức tổ chức cuộc thi và tiêu chí cũng khác hơn so với cách làm của các nhà khoa học. Họ vinh danh gạo ngon chủ yếu dựa vào yếu tố tiêu dùng và ẩm thực khi chọn các đầu bếp có uy tín làm giám khảo. Chính vì vậy, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc thi và danh hiệu. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó nó cũng phản ánh được nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng thế giới, ít nhiều cũng giúp Việt Nam tạo dựng thương hiệu gạo trên trường quốc tế. Giống gạo ST25 thắng giải thêm một lần nữa càng củng cố vị thế và giá trị của nó. Đây là điều rất đáng mừng, không chỉ với gạo ST25, mà cả ngành lúa gạo Việt Nam nói chung.
* Giáo sư có nói đến việc ST25 góp phần tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế, vậy thì ở góc độ kinh tế chúng ta có thu được lợi gì từ việc này chưa?
-Ở hội nghị năm 2019, khi gạo ST25 thắng giải các nhà buôn có tò mò về giống gạo này. Tôi có trực tiếp chia sẻ với một số người đến từ Hồng Kông, Ma Cau… về sự khác biệt của ST25 so với phần còn lại, chủ yếu là gạo Thái Lan. Đầu tiên, gạo Thái Lan có 2 phân khúc chính đó là gạo thơm chất lượng cao và gạo trắng hạt dài. Gạo thơm chất lượng cao là giống lúa mùa dài ngày, mỗi năm chỉ làm một vụ. Vào thời điểm đó, gạo trắng thông dụng của họ có giá khoảng 400 USD, còn gạo thơm chất lượng cao khoảng 800 USD.
Gạo ST25 của Việt Nam ngược lại, là giống ngắn ngày và có thể sản xuất đến 2 – 3 vụ/năm. Các thương nhân cho biết họ đã ăn thử gạo ST25 và khẳng định chất lượng không thua gì gạo thơm đặc sản của Thái Lan. Họ cũng cho rằng, gạo Việt Nam sản xuất được liên tục trong năm là một lợi thế lớn; xét ở góc độ thị hiếu và thói quen tiêu dùng lại là giống mới. Vậy nên, để tăng khả năng cạnh tranh, các nhà cung cấp gạo Việt Nam nên chào giá thấp hơn gạo thơm đặc sản của Thái Lan một chút, đảm bảo sẽ tiêu thụ tốt.
Kết quả là ST25 cùng nhiều giống gạo thơm ngắn ngày khác của Việt Nam đã cùng nhau tạo nên một phân khúc mới trên thị trường gạo thế giới với giá bình quân từ 600 – 650 USD/tấn. Đây có thể xem là phân khúc mà gạo Việt Nam độc quyền và tiêu thụ rất tốt ở nhiều thị trường.
Tuy nhiên, cái dở của ngành gạo cũng giống như ngành cá tra, chúng ta vẫn không tận dụng được lợi thế “một mình một chợ”. Nguyên nhân là có quá nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, phá giá lẫn nhau.
*Vậy thì theo Giáo sư, rằng chúng ta cần tận dụng cơ hội này như thế nào cho hiệu quả nhất?
-Tôi nhớ là ở lần thắng giải trước, Bộ NN-PTNT có tặng bằng khen cho anh Cua (ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ST25). Tuy nhiên, đến nay giống gạo này chưa biết vì sao chưa được công nhận là giống cấp quốc gia trong khi chất lượng và khả năng thương mại của nó đã được chứng minh. Dù đó là giải thưởng mang dấu ấn cá nhân, nhưng tôi nghĩ tất cả người Việt Nam có thể tự hào về nó giống như cách mà Ban tổ chức vinh danh – “Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới”, họ đâu muốn cá nhân hóa nó.
Nhìn qua Thái Lan, họ cũng có chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và họ làm rất tốt với giống được chọn là giống Hom Mali nổi tiếng nhất. Ở Việt Nam, những năm qua, chúng ta cũng đã tốn nhiều chi phí làm việc tương tự nhưng có vẻ chưa được thành công. Tôi nghĩ rằng, với việc ST25 thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới” lần thứ hai và festival lúa gạo quốc tế sắp diễn ra, chúng ta nhân cơ hội này ghi nhận và tuyên dương những đóng góp có ý nghĩa của anh Cua, cha đẻ của giống gạo nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là ST25 và đẩy mạnh truyền thông về chất lượng gạo Việt Nam với bằng chứng sinh động là giải thưởng quốc tế vừa được nhận.
Bên cạnh đó, Chính phủ vừa mới phê duyệt đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; ngành nông nghiệp nên sớm công nhận giống ST25 là giống quốc gia và đưa vào sản xuất để tạo hiệu quả gia tăng cho đề án.
ST25 hai lần thắng giải Gạo ngon nhất thế giới
Ngày 30.11, tại Cebu (Philippines), gạo ST25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua một lần nữa thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Ban tổ chức không công bố tên giống gạo nên có một số đơn vị dự thi tự nhận thắng giải và xảy ra một số ý kiến trái chiều. Đến ngày 5.12, Ban tổ chức ra thông cáo báo chí chính thức lần thứ 2 khẳng định “ST25 thắng giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023”.
Festival lúa gạo quốc tế lần đầu tiên
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam sẽ diễn ra từ 11 – 14.12.2023 tại Hậu Giang do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên festival lúa gạo Việt Nam được nâng tầm thành festival quốc tế, 5 lần tổ chức trước đó chỉ ở quy mô trong nước. Nội dung các cuộc hội thảo, trình diễn, trưng bày, triển lãm… tại festival lần này sẽ có sự tham gia của quan chức Bộ Nông nghiệp một số nước trên thế giới, với khoảng 200 đại biểu quốc tế tham dự.
Đặc biệt, tại festival lần này, sẽ chính thức công bố Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất xanh, sạch.