HẾT NĂM 2023, NỢ XẤU CÓ THỂ LÊN ĐẾN 1.000 TỈ ĐỒNG
Do ban lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) nhiệm kỳ trước (2012 – 2017) mắc nhiều sai phạm về quản lý tài sản công, thực hiện nhiều dự án hợp tác đầu tư có nhiều dấu hiệu bất thường nên dẫn đến thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Hệ lụy nghiêm trọng nhất của các sai phạm (được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, công bố năm 2021) là hiện tại khu liên hợp nợ thuế với số tiền “khủng” mà đơn vị hoàn toàn không còn khả năng chi trả. Cũng vì lý do này, khu liên hợp bị cơ quan thuế thay đổi lần lượt các biện pháp cưỡng chế.
Thời gian đầu, cơ quan thuế tiến hành cưỡng chế hóa đơn, nhưng thời quan qua đã chuyển sang hình thức cưỡng chế tài khoản. Lý do bị cưỡng chế: người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá hạn, hết thời hạn gia hạn nộp thuế, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của luật Quản lý thuế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng trích tiền thẳng từ tài khoản của khu liên hợp. Ngày 8.12, lãnh đạo khu liên hợp cho hay tiền nợ đến hết tháng 7.2023 đã lên đến 902 tỉ đồng và nếu không trả đủ, khoản này sẽ còn phát sinh nợ xấu, lên khoảng 1.000 tỉ đồng.
ĐƯỢC BẬT ĐÈN XANH, NHƯNG…
Về vấn đề tài chính của khu liên hợp, như Thanh Niên đã đưa tin, tháng 12.2023 Bộ VH-TT-DL có quyết định bằng văn bản giao quyền tự chủ tài chính 100% cho đơn vị này từ năm 2023 – 2025. Nhà nước sẽ không hỗ trợ, cấp chi phí thường xuyên. Kinh phí đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: không. Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên: không.
Trước khi nhận quyết định này, khu liên hợp đã xây dựng đề án sử dụng tài sản công, trong đó báo cáo: “Khu liên hợp sẽ triển khai kế hoạch kinh doanh theo đúng quy định của luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017. Công tác quản lý, sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước giao”. Bộ VH-TT-DL đã đồng ý cho khu liên hợp được khai thác một phần đề án này, và yêu cầu đơn vị cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
…SỔ ĐỎ LẠI KHÔNG CHO PHÉP
Khúc mắc lớn ở chỗ khu liên hợp đang rơi vào vòng luẩn quẩn bởi trong một số giấy tờ có liên quan, khu liên hợp lại không được phép kiếm tiền trên những công trình mà đơn vị quản lý. Năm 2007, dựa trên quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, UBND TP.Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho khu liên hợp, trong đó mục đích sử dụng diện tích để xây sân Mỹ Đình là gần 225.000 m², còn diện tích để xây Cung thể thao dưới nước là 57.000 m². Đặc biệt, sổ đỏ cũng nêu hai loại đất này đều là đất cơ sở thể dục thể thao, không được kinh doanh.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu khu liên hợp phải tự chủ tài chính tuyệt đối, nhưng văn bản khác của cơ quan có liên quan lại không cho phép khu liên hợp được kinh doanh. Vậy phải chăng việc cho thuê sân Mỹ Đình để tổ chức bóng đá như từ trước đến nay (trừ các giải phục vụ công tác chính trị do ngành thể thao đăng cai như SEA Games) là chưa đúng pháp luật? Hay việc cho thuê Cung thể thao dưới nước để người dân tập luyện cũng tương tự?
Để khu liên hợp có thể tự nuôi sống được mình một cách hợp pháp và có tiền trả nợ thuế, đơn vị phải được kinh doanh với điều kiện TP.Hà Nội, Bộ VH-TT-DL có sự phối hợp, thống nhất cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại hai công trình lớn của khu liên hợp (chuyển từ đất phục vụ thể thao sang đất dịch vụ, được quyền kinh doanh). Có như thế các hoạt động kinh doanh của khu liên hợp mới được coi là đúng pháp luật.