Sau khi Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được ban hành, vấn đề hiện nay là cần giải pháp vừa hạn chế tối đa việc xử phạt vi phạm nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả công tác PCCC. Đây là “bài toán” khó khi ngành chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, siết chặt các quy định về an toàn PCCC như hiện nay…
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh kiểm tra chức năng hoạt động của các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Kim Huy (TP.Thủ Dầu Một)
“Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó”
Thời gian qua, công an các tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt ra quân rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều cơ sở không bảo đảm các quy định về PCCC. Tại Bình Dương, quá trình kiểm tra đã phát hiện hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp vi phạm.
Theo đó, trong năm 2022 và quý I-2023, Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra định kỳ, đột xuất 17.632 lượt cơ sở thuộc quản lý của cấp tỉnh, cấp huyện và 45.277 lượt cơ sở do cấp xã quản lý. Qua đó đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn cơ sở khắc phục các thiếu sót về an toàn PCCC&CNCH; ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính về PCCC&CNCH đối với 3.526 trường hợp với số tiền 75,9 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ 661 trường hợp và đình chỉ hoạt động đối với 397 trường hợp cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn PCCC. Ngoài ra, UBND tỉnh đã khôi phục tình trạng hoạt động đối với 24 cơ sở trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh được tổ chức kịp thời. Điển hình là việc thành lập Đoàn cấp tỉnh tiến hành kiểm tra toàn diện tại các sở, ban, ngành, địa phương. Trước khi đề xuất xử phạt, Công an tỉnh kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở và cho thời gian để các cơ sở khắc phục những hạn chế, thiếu sót”.
Giải pháp nào khi doanh nghiệp “kêu khó”?
Thực tế cho thấy hơn 3.500 cơ sở, doanh nghiệp bị xử phạt là một con số đáng suy ngẫm khi phần lớn các chủ doanh nghiệp ở Bình Dương trong quá trình xây dựng, chuyển nhượng các công trình nhà kho, nhà xưởng đều không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC. Chính vì vậy, khi ngành chức năng tiến hành kiểm tra phần lớn đều không bảo đảm các tiêu chí an toàn PCCC, các công trình xây dựng phần lớn đều không được thẩm định và cấp phép về PCCC đúng quy định. Câu chuyện “lịch sử để lại” này thực sự là một thực tế đang tồn tại hiện nay.
Theo Thạc sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật Becamex, nhiều doanh nghiệp cho rằng luật ban hành cần tính toán đến tính khả thi khi đi vào đời sống. Về quy định PCCC hiện nay cần ban hành có lộ trình và cần phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, không thể áp dụng hoàn toàn các kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài để làm quy chuẩn cho Việt Nam do điều kiện kinh tế hiện nay chưa cho phép. Đối với các doanh nghiệp đã được đưa vào nghiệm thu và đưa vào sử dụng, nếu kiểm tra chưa đúng, chưa bảo đảm thì nên có biện pháp cho khắc phục trong một thời gian nhất định. Sau thời gian đó nếu không chấp hành thì sẽ có chế tài mạnh hơn là buộc dừng hoạt động thay vì chỉ xử phạt.
Trong hội nghị triển khai Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng những quy chuẩn về an toàn PCCC do Bộ Công an và một số bộ, ngành áp dụng về địa phương như yêu cầu như hiện nay là rất khó cho địa phương. Do đó vấn đề gì cần xử lý thì xử lý, vấn đề gì cần tháo gỡ thì phải tháo gỡ. Thời điểm này cần sự định hướng sát hơn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Cũng tại cuộc họp này, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần áp dụng những giải pháp thiết thực, linh hoạt, đưa ra những hiến kế phù hợp với tình hình thực tế nhằm tháo gỡ những khó khăn sao cho vừa bảo đảm trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC, vừa giúp các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các quy định về an toàn PCCC trong quá trình hoạt động.
Các địa phương rà soát, tổng hợp và báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt ngoài thẩm quyền làm cơ sở để tỉnh kiến nghị đến các cấp cao hơn. Tiếp tục duy trì các giải pháp phòng ngừa, nhân rộng và phát huy hiệu quả những mô hình hay trong công tác PCCC. Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác PCCC ở các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC ngày càng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Được hỏi về việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 220/CĐ-TTg chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM DV SX gia công gỗ Tuấn Phát (TP.Tân Uyên), cho biết: “Chúng tôi đã trải qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Những quy định mới về PCCC không có tính khả thi, đối với chúng tôi là quá sức. Nếu áp dụng quy chuẩn mới thì chúng tôi phải đầu tư tiền tỷ trong khi đất xây nhà xưởng chúng tôi đang thuê. Chúng tôi đánh giá cao, chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều vào việc thực hiện công điện mới của Thủ tướng Chính phủ trong công tác PCCC. Mong rằng sắp tới tỉnh sẽ có những hướng dẫn cụ thể để chúng tôi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác PCCC cũng như hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp mình”. |
TÂM TRANG