UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 2014/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng theo hình thức BOT.
Dự án đi qua địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn, với tổng chiều dài 59,87 km. Bao gồm: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km. Điểm đầu tại Km1+800 kết nối với đường vào cửa khẩu Hữu Nghị (thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) điểm cuối tại Km44+749,67 (thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng).
Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44km, gồm 2 đoạn. Đoạn tuyến số 1: Điểm đầu Km0+000 giao với tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, điểm cuối Km14+353 tại nút giao giữa QL.4A và đường vào cửa khẩu Tân Thanh, chiều dài khoảng 14,56km. Đoạn tuyến số 2: Điểm đầu Km0+000 (tại nút giao IC.07 Km7+500 giữa tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam với đường đi vào khu cửa khẩu Cốc Nam), điểm cuối Km1+875 tại nút giao giữa QL.4A và đường đi vào khu cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 1,88km.
Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng được thiết kế với vận tốc 100km/h; Tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam được thiết kế với vận tốc 80km/h . Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 68 hầm chui dân sinh, 39 công trình cầu, xây dựng 5 trạm thu phí. Theo kế hoạch, năm 2026 tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án dự kiến 640,28 ha (địa phận huyện Chi Lăng khoảng 166,47 ha, địa phận huyện Cao Lộc khoảng 297,55 ha; địa phận huyện Văn Lãng khoảng 69,83 ha; địa phận TP. Lạng Sơn khoảng 106,43 ha).
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án, đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung.
Tuyến đường hoàn thành sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hải Phòng – Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, góp phần liên kết, phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn, tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.