Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Chủ tịch Hội Nhà báo Lào Savankhone Razmountry; Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Malaysia Low Boon Tat; Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Liên đoàn các nhà báo Thái Lan Chavarong Limpattamapanee.
Cùng dự có các nhà quản lý báo chí, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí-truyền thông, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà báo đến từ 8 nước thành viên của Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, cơ quan truyền thông, báo chí các nước thành viên ASEAN đứng trước cơ hội cũng như thách thức to lớn để tiếp tục khẳng định sứ mệnh dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng cho cộng đồng, trao quyền lực cho người dân. Để thực hiện sứ mệnh cao cả ấy, các cơ quan báo chí sẽ không thể làm được nếu không làm cùng nhau và không chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã có sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 348 ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
“Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng. Hội thảo ngày hôm nay là nơi để giới báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm trong chuyển đổi số báo chí, truyền thông, sáng kiến, cách làm tốt của các cơ quan báo chí trong khu vực để làm tốt được công việc chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng.
Báo chí số thúc đẩy siêu tương tác xã hội mạnh mẽ: tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách…
Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, chuyển đổi số còn mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng…Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí ở Việt Nam là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, cũng như về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, đó cũng là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện để thực hiện một cách hiệu quả chức năng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan, đa chiều… tới công chúng ở trong nước và trên thế giới.
Với 2 phiên thảo luận: “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số” và “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”, hội thảo là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ tình hình, tiến trình, và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông của các nước ASEAN. Đồng thời, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác thời gian tới nhằm cùng nhau xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Tại Hội thảo, các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự đều nhất trí rằng, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế – chính trị – xã hội các quốc gia. Đối với báo chí, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…; từ đó tối ưu hoá quản trị toà soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia.
Một mô hình toà soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị toà soạn.
Ông WU Rui Ming, phóng viên Báo Shin Min Daily News của SPH Media (Singapore) – một diễn giả tại hội thảo cho biết, khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số của báo chí là sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ.
“Chúng tôi đến đây mong muốn chia sẻ và học kinh nghiệm về phát triển và sau đó là quản trị báo chí số. Chúng tôi với nền tảng là báo in nên kinh nghiệm tại hội thảo sẽ rất hữu ích để đáp ứng xu thế chuyển đối số của báo chí. Khó khăn nhất có lẽ là sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ. Chúng ta phải liên tục cập nhật công nghệ, phải theo kịp, đáp ứng sự phát triển này để không bị tụt hậu. Đồng thời, giữ chân được độc giả”, ông WU Rui Ming chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí số tại Thái Lan, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan, cho rằng cùng với xu thế phát triển số, đang có một cuộc cạnh tranh rất gay gắt giữa các cơ quan báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội. Theo đó, báo chí hiện nay đã luôn phải làm thế nào để tìm cách để sống sót.
“Khó khăn lớn nhất trong việc quản lý các cơ quan báo chí thì phải tạo ra các nền tảng tin tức, làm thế nào để duy trì được chuyên nghiệp và tính chính xác, đồng thời là phải cạnh tranh với các truyền thông mạng xã hội mà trong khi đấy thì mọi thứ thì đang thay đổi rất nhanh, các cơ quan báo chí đều phải tìm cách làm thế nào để hòa nhập được và tiếp thu được các thành quả công nghệ, ứng dụng trong hoạt động báo chí của mình”, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan cho biết.