Hôm nay 7/12, tại Hòa Bình, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.
Tham dự Hội nghị có 280 đại biểu làm công tác thông tin đối ngoại về quyền con người của 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết: Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung của Đề án truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị sẽ cung cấp thông tin, tình hình, hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng và nội dung công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thông tin kịp thời, khách quan về các nỗ lực và thành tựu của các cấp chính quyền trong bảo đảm quyền con người ở địa phương, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người của địa phương mình, nhất là kinh nghiệm xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan chuyên trách với báo chí, truyền thông.
Chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương nhấn mạnh: Trong bối cảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, công tác truyền thông, thông tin đối ngoại cần phải có sự thay đổi nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và đáp ứng tình hình mới. Nhìn nhận về vấn đề này, Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện tinh thần mới, quan điểm mới của Đảng ta về công tác thông tin đối ngoại, cũng như yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người.
Nhấn mạnh vai trò truyền thông về quyền con người hiện nay, ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Chính phủ cho rằng, cần phản ánh toàn diện thành tựu của Việt Nam bởi đây là những vấn đề hay bị lợi dụng để xuyên tạc, chẳng hạn như quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền của người dân tộc thiểu số, vấn đề dân chủ nhân quyền…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.
Nắm rõ nội dung và tinh thần của Hội nghị, các đại biểu đã tham dự Hội nghị với tinh thần sôi nổi, chia sẻ, cùng nhau phân tích tình hình trong nước và quốc tế; cập nhật tình hình và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới; chia sẻ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.
Hải Anh