ANTD.VN – Dù giá vàng có thể chững lại trong vài tuần, song nhiều dự báo cho rằng thị trường vàng năm 2024 sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về cả dòng vốn vào và lượng mua ròng khi lãi suất Mỹ giảm.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua, sáng nay, giá vàng trong nước đã quay đầu tăng trở lại với mức tăng 100 nghìn đồng mỗi lượng vàng SJC.
Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết giá thương hiệu vàng SJC ở mức 73,10 – 73,32 triệu đồng /lượng; Tập đoàn DOJI niêm yết mức 73,00 – 74,30 triệu đồng/lượng; Phú Quý SJC 72,90 – 73,10 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 73,10 – 74,15 triệu đồng/lượng…
Vàng phi SJC cũng có mức tăng tương tự. Công ty PNJ tăng thêm 100 nghìn đồng mỗi lượng vàng, lên 61,00 – 62,10 triệu đồng/lượng; nhẫn 99,99 của SJC niêm yết tại 60,90 – 61,95 triệu đồng/lượng; Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 61,38 – 62,48 triệu đồng/lượng…
Dù đã có động thái giảm thời gian qua theo đà giảm của vàng thế giới, song giá vàng trong nước vẫn đang ở vùng giá cao nhất mọi thời đại, do nhu cầu nắm giữ vàng của người dân tăng lên.
Giá vàng trong nước vẫn duy trì mặt bằng rất cao |
Trên thị trường thế giới, sau những phiên giảm sâu đầu tuần, giá vàng hôm nay đã phục hồi nhẹ trở lại. Vàng giao ngay cập nhật trên Kitco chốt phiên giao dịch 6/12 (rạng sáng nay theo giờ Việt Nam) ở mức 2.025 USD/ounce, tăng 6,3 USD trong phiên.
Kim loại màu vàng đang nhận được một số hỗ trợ nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong tuần này.
Các nhà giao dịch đang bắt đầu chờ đợi báo cáo tình hình việc làm của Hoa Kỳ vào sáng thứ Sáu – được cho là điểm dữ liệu quan trọng nhất trong tháng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Báo cáo sẽ cho thấy thị trường lao động liệu có suy giảm hay không, điều này sẽ giúp thị trường có thêm dữ liệu để đoán định về chính sách tiền tệ của Fed.
Trong một tin tức khác, theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), dòng vốn chảy ra từ các quỹ ETF vàng toàn cầu đã chậm lại đáng kể trong tháng 11, do những rủi ro địa chính trị gia tăng. Theo đó, dòng vốn rút khỏi vàng ở mức khiêm tốn là 920 triệu USD trong tháng, đưa lượng nắm giữ giảm xuống còn 3.236 tấn, giảm 9 tấn trong tháng 11.
WGC cho biết, trong tháng, Fed Hoa Kỳ đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ hai liên tiếp, làm tăng thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc kết thúc chu kỳ thắt chặt. Dự đoán như vậy càng tăng lên do lạm phát giảm tốc và thị trường việc làm hạ nhiệt, gây áp lực thêm lên lợi suất trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ và đồng đô la.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng hầu hết sự hỗ trợ cho cả giá vàng và dòng vốn ETF đều đến từ “rủi ro địa chính trị tăng cao vào đầu tháng” và vị thế của nhà đầu tư sau đó.
Trong đó, các quỹ Bắc Mỹ đã chấm dứt chuỗi 5 tháng bán ròng và quay lại mua ròng 659 triệu USD. Trong khi ngược lại, các quỹ châu Âu lại kéo dài chuỗi thoái vốn liên tiếp lên tới 6 tháng, bán ra gần 2 tỷ USD trong tháng 11.
Với việc lợi suất của khu vực vẫn ở mức cao nhất trong thập kỷ, chi phí cơ hội tiếp tục đè nặng lên nhu cầu vàng của các nhà đầu tư châu Âu đối với các quỹ ETF vàng. Cùng với đó, việc đồng nội tệ mạnh lên – dẫn đến diễn biến giá vàng trong nước yếu hơn so với đồng tiền USD – cũng làm giảm lợi ích của các nhà đầu tư.
Đối với định vị thị trường, Hội đồng Vàng Thế giới viết rằng vị thế mua ròng trên thị trường vàng tương lai đã tăng lên trong suốt tháng trước.
Khối lượng giao dịch trên thị trường vàng toàn cầu đạt trung bình 174 tỷ USD mỗi ngày, tăng 3% so với tháng trước. Trong khi hoạt động giao dịch của các quỹ ETF vàng giảm đáng kể (-26%), thị trường OTC hầu như không thay đổi (0%) thì khối lượng của các sản phẩm giao dịch trao đổi khác tăng 10%. Phần lớn mức tăng 10% đó được đóng góp trên sàn COMEX.
Dù đà tăng của vàng có thể chững lại trong vài tuần, song nhiều quan điểm vẫn lạc quan về triển vọng của nó trong dài hạn.
Theo dự báo vàng năm 2024 gần đây của ING, gã khổng lồ ngân hàng Hà Lan đã kỳ vọng sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về cả dòng vốn vào và lượng mua ròng trong năm tới khi lãi suất Mỹ giảm.