Hà Nội – Quảng Trị: Kết nối cung cầu hàng hóa, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu Hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh trong mùa vụ |
Cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp cao điểm mua sắm của người tiêu dùng nên sức mua sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi, thì các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm nông sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, điện máy…
Hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực – đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023 |
Năm nay, thời tiết thuận lợi cùng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật được các đơn vị sản xuất quan tâm, áp dụng, do đó thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sản lượng hàng hóa sản xuất lớn, dự báo nguồn cung nông sản dồi dào.
Đây cũng là cao điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố; nhiều trái cây, nông sản an toàn các địa phương vào vụ thu hoạch.
Để vừa đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, đồng thời thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai các nội dung hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong việc đưa hàng hóa các tỉnh về thị trường Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – chia sẻ, ngay đầu quý IV/2023, hàng loạt các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm quảng bá cho nông sản của địa phương.
Cụ thể, Hội nghị kết nối giao thương và khai mạc không gian trưng bày sản phẩm các tỉnh khu vực Đông Bắc gắn với trao giải hội thi sản phẩm Trà Shan Tuyết của UBND tỉnh Hà Giang; Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa thị trường trong nước tại tỉnh Hà Nam; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa năm 2023 tỉnh Bắc Kạn; Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa, sản phẩm OCOP tại tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An; Diễn đàn kết nối nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tại TP. Lào Cai, TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)…
Khai mạc Tuần lễ giới thiệu nông, thủy sản tỉnh Yên Bái tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long |
Còn tại Hà Nội, các sự kiện, tuần hàng quảng bá, giới thiệu nông sản của các tỉnh, thành phố cũng liên tục được diễn ra như: Ngày Tây Ninh, ngày Quảng Nam tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu nông, thủy sản tỉnh Yên Bái; Tuần hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Lai Châu… nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP các địa phương…
Không chỉ kéo các địa phương về với Hà Nội, ngành Công Thương Hà Nội cũng đã chủ động đến các địa phương, hỗ trợ thông tin, mời các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, xuất khẩu Hà Nội tham gia vào các Hội nghị giao thương tại các địa phương để chia sẻ kinh nghiệm vào hàng hệ thống bán lẻ hiện đại; khảo sát vùng sản xuất để kết nối nguồn hàng; đồng thời, ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà cung cấp tại các tỉnh, thành phố…
Theo bà Mai Phương – phụ trách thu mua Tập đoàn Central Retail Việt Nam, với tầm nhìn và cam kết đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng của cuộc sống người Việt, Central Retail luôn sẵn sàng hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức các tuần hàng quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm mua sắm của đơn vị.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội cũng đã hướng dẫn các nhà cung cấp tại các địa phương về yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện để hàng hóa các tỉnh, thành phố có thể kết nối vào kênh phân phối tại thị trường Hà Nội.
Đánh giá cao công tác kết nối cung cầu hàng hóa của ngành Công Thương Hà Nội, theo các nhà cung cấp, đây là cách để họ có thể hiểu rõ quy cách “vào hàng” của các siêu thị, được gặp gỡ trực tiếp các nhà mua hàng, trao đổi, ký kết các đơn hàng sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa địa phương không chỉ dịp Tết Nguyên đán sắp tới mà còn trong dài hạn.
“Với trọng tâm là các sản phẩm nông sản vùng cao, hợp tác xã xác định Hà Nội là thị trường lớn trong tiêu thụ hàng hóa với yêu cầu cao về chất lượng, hợp tác xã sẽ tiếp tục cùng với nông dân Bắc Kạn sản xuất theo hướng dẫn của đơn vị quản lý nhà nước để sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, phục vụ thị trường Hà Nội”, bà Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy (tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Phan Trọng Tuệ – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Lương An cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kết nối sản phẩm nông, đặc sản từ các tỉnh, thành phố; hướng dẫn về định hướng thâm nhập, khai thác thị trường Hà Nội một cách bài bản nhất…
Ký kết biên bản ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2023 |
Hà Nội với thị trường chục triệu dân, nhu cầu nguồn thực phẩm nông sản hàng hóa khá cao, trong khi đó, nguồn cung hàng hóa của Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần nào đó. Rõ ràng, công tác kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp cuối năm sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, góp phần đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn Thủ đô.
Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp phân phối của Hà Nội cũng như doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng Thủ đô không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa mà còn mua được các sản phẩm hàng hóa phong phú, chất lượng, giá cả phải chăng.
Đây cũng là một trong các hoạt động triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.