Phóng viên Dân trí vừa có cuộc trò chuyện với ông Bhling Mia – Bí thư huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam – về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu tại huyện miền núi.
Trong quá trình sinh tồn và phát triển, dân tộc Cơtu có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Vậy ông có thể cho biết, những năm qua, huyện Tây Giang đã bảo tồn giá trị di sản văn hóa tại các bản làng như thế nào?
– Là địa phương có trên 96% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Cơtu, với mục đích gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đã đầu tư nhiều công sức, kinh phí để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơtu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/HU về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tây Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”, với phương châm “Lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa củng cố tổ chức cơ sở Đảng, giữ gìn tốt an ninh trật tự; lấy văn hóa phát triển văn hóa và lấy văn hóa thu hút đầu tư và du lịch”.
Từ đó công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Cơtu được cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc một cách quyết liệt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và giới thiệu đến với công chúng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trước tiên, văn hóa của người Cơtu gắn liền với văn hóa Làng, văn hóa cộng đồng. Làng của người Cơtu được bố trí theo hình tròn, nhà cửa được bố trí xung quanh, ở giữa là Gươl.
Gươl là nơi thiêng liêng, tập trung linh hồn sống của làng tạo nên sự bền chặt của văn hóa cộng đồng dân tộc Cơtu và cũng là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Toàn huyện có 59/63 thôn có Gươl.
Thứ hai, tiếng nói và chữ viết Cơtu dần được khôi phục và bảo tồn, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Cơtu. Nhiều bài viết, cuốn sách viết về văn hóa Cơtu được in ấn và phát hành.
Thứ ba, các giá trị văn hóa ẩm thực của người Cơtu luôn được phát huy trong dịp lễ hội, tiếp khách với các món ăn truyền thống, như cơm lam, sắn lam, bánh cuốt, thịt, cá nấu trong ống nứa, các loại rượu cần, tr’đin, ba kích, đảng sâm.
Thứ tư, hàng năm, huyện tổ chức phục dựng lễ hội mừng lúa mới, hội thi điêu khắc, thi trống chiêng tại huyện. Hiện nay đã sưu tầm được trên 54 hiện vật và đang được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Cơtu huyện.
Trong xu thế phát triển hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc bản địa có ý nghĩa như thế nào đối với đồng bào Cơtu ở Tây Giang?
– Hiện nay, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang là xu thế. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc bản địa sẽ tạo ra nét riêng độc đáo của đồng bào Cơtu Tây Giang, không lẫn với bất kỳ dân tộc nào, hoặc người Cơtu ở các địa phương khác.
Điều này về mặt kinh tế có ý nghĩa nhất định trong việc thu hút khách du lịch đến với Tây Giang thay vì vùng khác, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; du khách thích thú với văn hóa bản địa sẽ đến Tây Giang nhiều hơn, đồng bào Cơtu ở Tây Giang có cơ hội nhiều hơn để giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, các sản phẩm đan lát… Điều này giúp người dân duy trì các nghề thủ công truyền thống, tăng thu nhập.
Hiện nay, nhiều Gươl trên địa bàn đang bị bê tông hóa, tôn hóa (xây dựng bê tông cốt thép, lợp tôn) làm mất dần giá trị kiến trúc của đồng bào Cơtu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
– Có thể khẳng định trên địa bàn huyện Tây Giang, không có Gươl nào thuộc thiết chế văn hóa cộng đồng bị bê tông hóa, cá biệt một trường hợp tôn hóa do một số nguyên nhân bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của địa phương là phải giữ gìn bằng được các yếu tố văn hóa truyền thống, tuyệt đối không để lai căng, biến chất. Trong đó, việc giữ gìn các giá trị kiến trúc của đồng bào Cơtu phải được coi trọng.
Việc giữ gìn, bảo vệ, phát triển rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện Tây Giang có ý nghĩa ra sao đối với đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Cơtu?
– Người Cơtu quan niệm rừng gắn bó với người, người sinh ra thì rừng đã có trước, che chở, nuôi nấng con người. Chính từ cái lẽ đó nên người Cơtu rất coi trọng mọi việc làm khi tác động đến rừng; việc bảo vệ rừng già, rừng đầu nguồn sông, suối đã kết thành một nét văn hóa riêng.
Với phương châm “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, các ngành và nhân dân chú trọng; việc phát đốt rừng già, rừng đầu nguồn, phát rừng làm rẫy, cháy rừng ít xảy ra, độ che phủ rừng ngày càng nâng lên; tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản không xảy ra.
Rừng Tây Giang như báu vật thiên nhiên che chở và bảo vệ cuộc sống của người dân. Bởi thế, không chỉ bảo vệ rừng, người dân vẫn đang ngày ngày lặng lẽ trồng rừng, giữ lá phổi xanh của núi rừng Trường Sơn.
Tổng diện tích rừng trồng mới giai đoạn 2015-2022 là trên 4.000ha, nâng độ che phủ rừng hiện nay đạt trên 73%.
Bên cạnh đó, huyện Tây Giang đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách có liên quan về việc trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ rừng. Huyện đã xây dựng kế hoạch trồng mới giai đoạn 2020-2025 với tổng diện tích 2.500ha; đến nay, đã trồng được hơn 1.900 ha.
Hiện nay, toàn huyện Tây Giang có diện tích rừng hơn 91.300ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 74% diện tích, với nhiều cánh rừng quý như khu rừng lim, rừng đỗ quyên cùng với sự đa dạng của hệ thống động thực vật quý hiếm, với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ vài trăm năm đến cả nghìn năm.
Nhiều động, thực vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như Voọc chà vá chân nâu, tê tê, mang lớn… và thực vật như lim, pơmu, đỗ quyên, dổi…
Đặc biệt, huyện đã phát hiện, quản lý, bảo tồn nhiều hệ động, thực vật quý hiếm, như khu rừng nguyên sinh pơmu với 1.366 cây, trong đó có 725 cây có tuổi thọ từ 200 đến 1.328 năm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam; rừng đặc dụng sao la; rừng đỗ quyên cổ thụ; rừng lim, với tổng diện tích trên 1.000ha.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, trong quá trình phát triển và hội nhập, bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu cũng bị ảnh hưởng. Ông có nhìn nhận như thế nào?
– Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp các dân tộc, quốc gia xích lại gần nhau để hợp tác, trao đổi, giao lưu, học hỏi, cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh quốc tế mới với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, văn hóa dân tộc cũng chịu những tác động trái chiều, rõ nhất là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và sự lấn át của các phương tiện truyền thông mới, internet, mạng xã hội.
Hiện nay, việc quảng bá sâu rộng văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu dùng, thời trang, ẩm thực, giải trí càng trở nên phổ biến, kéo theo đó là những xu hướng mới, trong đó có cả những xu hướng tiêu cực thu hút giới trẻ tham gia.
Tuy nhiên, đó chỉ là một số trường hợp cá biệt, không đại diện cho bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu.
Theo tôi, bản sắc văn hóa là giá trị trường tồn của mỗi dân tộc, không vì vài biểu hiện bên ngoài mà thay đổi. Có chăng là những thay đổi tích cực, phù hợp với thời đại mới như việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nạn tảo hôn, ma chay cưới hỏi tốn kém… Như vậy thì không tính là bị thay đổi mà là sự phát triển phù hợp với thời cuộc.