Nếu vượt qua ngưỡng 1,5 độ C, các nhà nghiên cứu lo ngại nhân loại sẽ buộc phải chứng kiến một thế giới xảy ra những tác động nghiêm trọng về khí hậu cho con người, đời sống hoang dã và hệ sinh thái.
Cuộc nghiên cứu phát hiện nhiên liệu hóa thạch chiếm 36,8 tỉ tấn trong tổng số 40,9 tỉ tấn CO2 ước tính đã thải ra không khí trong năm nay, tức tăng 1,1% so với năm ngoái. Tin tốt lành là một số nhà phát thải chính của thế giới đã xoay xở giảm được lượng phát thải trong năm nay, bao gồm Mỹ giảm 3% và Liên minh Châu Âu (EU) giảm 7,4%.
Tuy nhiên, Trung Quốc, chiếm gần 1/3 tỷ trọng khí phát thải trên toàn cầu, được cho sẽ chứng kiến lượng CO2 từ nhiên liệu hóa thạch tăng thêm 4% trong năm 2023. Bên cạnh đó, lượng khí phát thải ở Ấn Độ dự kiến tăng thêm hơn 8%, đồng nghĩa nước này sẽ vượt qua EU để trở thành bên phát thải nhiên liệu hóa thạch lớn thứ ba thế giới.
Chuyên gia kỳ cựu Glen Peters của Trung tâm nghiên cứu khí hậu và môi trường quốc tế (Na Uy) nêu lên một thực tế ảm đạm: lượng khí thải CO2 hiện cao hơn 6% so với thời điểm các nước ký kết Hiệp định Paris tại COP21 năm 2015.
Nghịch lý: Cắt giảm ô nhiễm lại làm nóng hành tinh?
“Tình hình đang ngày càng trở nên cấp thiết”, tác giả Pierre Friedlingstein của Đại học Exeter (Anh) nói trước báo giới. Ông cảnh báo thế giới phải hành động ngay lập tức nếu muốn duy trì cơ hội đạt được mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C.