Mới đây, ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách tài nguyên năng lượng nói rằng, nước này sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga chừng nào xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt.
Mỹ có lập trường cứng rắn hơn đối với các lệnh trừng phạt dầu Nga. (Nguồn: AP) |
Ông Pyatt nhấn mạnh: “Đó là điều mà chúng tôi sẽ phải tuân thủ trong nhiều năm tới”.
Mỹ đang dẫn đầu các nỗ lực của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận đối với xuất khẩu dầu thô, nhiên liệu của Nga.
Mức trần giá 60 USD/thùng cho dầu thô của Moscow đồng nghĩa với việc các chuyến hàng dầu thô Nga tới các nước thứ ba có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng của phương Tây nếu dầu được bán ở mức bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD/thùng.
Biện pháp này có hiệu lực vào cuối năm 2022, khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga.
Hồi tháng 10 vừa qua, Washington đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các lệnh trừng phạt Moscow và xử phạt hai tàu vi phạm giới hạn giá.
Một tháng sau, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba công ty hàng hải có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và ba tàu thuộc sở hữu của các công ty này vì vận chuyển dầu của Nga với giá vượt mức trần.
Phương Tây đang xem xét tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với những quốc gia giúp Điện Kremlin lách giới hạn giá dầu.
* Ngày 4/12, Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechayev tuyên bố, giới doanh nghiệp sở tại mong muốn khôi phục quan hệ kinh tế với Moscow và người dân mong muốn bình thường hóa quan hệ song phương.
Trả lời phỏng vấn tờ Berliner Telegraph, ông Nechayev nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, chúng tôi chưa bao giờ từ bỏ chính sách đó… Moscow nhận thấy nhu cầu khôi phục quan hệ kinh tế giới doanh nghiệp Berlin, cũng như nhu cầu của nhân dân về việc bình thường hóa quan hệ song phương”.
Đại sứ Nga lưu ý, nước này “vẫn còn nhiều người bạn ở Đức”.