Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa học và công nghệ Sóc Trăng, 30 năm hình thành và phát triển”, TS Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhấn mạnh, tỉnh quyết tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Ngày 18-11, tại Sóc Trăng đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa học và công nghệ Sóc Trăng 30 năm hình thành và phát triển”. Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt; TS Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; cùng đại diện các viện, trường, các công ty, doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng, cho biết, trải qua 30 năm phát triển (1993-2023), ngành khoa học – công nghệ (KH-CN) tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, bám sát yêu cầu và giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Theo đó, tỉnh đã thực hiện 11 đề tài, dự án thuộc các chương trình KH-CN cấp quốc gia; 228 đề tài, dự án cấp tỉnh, trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên. Từ những kết quả trên, các nghiên cứu KH-CN đã được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
ThS Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng KH-CN vào hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu đã giúp ngành thủy sản của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, nếu như giai đoạn trước năm 2000, ngành thủy sản chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, thì năm 2022 toàn tỉnh đã có hơn 75.350ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt gần 300.000 tấn. Qua đó, đóng góp vào giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 1,04 tỷ USD (năm 2022), góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của tỉnh và chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành tôm chung của cả nước.
Trong khi đó, kỹ sư Hồ Quang Cua, Trưởng nhóm nghiên cứu lúa ST, cho biết thêm, lĩnh vực KH-CN về lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng đã có quá trình 30 năm phát triển rất vẻ vang. Với nền tảng công nghệ và sự phối kiểm của thị trường, từ cây lúa thơm mùa thân cao, sang cây lúa thơm ST3 cứng cây, ngắn ngày đã có ST20, rồi đến ST24, ST25 với chu kỳ sinh trưởng ngắn (100 ngày), năng suất, độ thích nghi vùng miền cao hơn. Cũng từ đó, lần đầu tiên việc lai tạo lúa tại nước ta cho phẩm chất hàng đầu thế giới và gạo thơm Việt Nam được xuất khẩu khắp các châu lục.
Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành KH-CN tỉnh Sóc Trăng đạt được trong 30 năm qua. Trong đó, nhiều thành tựu KH-CN mới và kết quả nghiên cứu của địa phương đã được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua đó, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò then chốt, quan trọng của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với đặc thù của tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ KH-CN lưu ý, tỉnh cần gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa khoa học xã hội nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến các hoạt động nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, truyền thống của mảnh đất, con người Sóc Trăng, xem đây là một trong những lợi thế của tỉnh cần nghiên cứu và khai thác để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh Sóc Trăng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa triển khai thực hiện chương trình ký kết hợp tác. Đồng thời, Viện Khoa học Vùng Nam bộ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cũng ký kết ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học với Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn yêu cầu ngành KH-CN tỉnh cần quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường hợp tác với các viện, trường đại học, tổ chức KH-CN phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh KH-CN và đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, kinh tế số và thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút nguồn lực đầu tư cho KH-CN, phát triển doanh nghiệp KH-CN; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nhân dân; triển khai đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH-CN trên địa bàn tỉnh nêu cao quyết tâm nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.
TUẤN QUANG