Trong tháng 11, làn sóng giảm lãi suất huy động lại bước vào một chu kỳ mới. Lãi suất được nhóm Big 4 (bao gồm 4 đơn vị quốc doanh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank) đưa xuống đáy mới rất thấp.
Chính vì vậy, lãi suất cho vay mua nhà được kỳ vọng sẽ nhanh chóng giảm trong tháng 12. Tuy nhiên, hiện tại, ngân hàng ngoại đang nhanh nhẹn hơn trong việc giảm lãi suất cho vay mua nhà. Còn các ngân hàng nội “đủng đỉnh” hơn.
Ngân hàng ngoại giảm sâu, nội “đủng đỉnh”
Shinhan Bank, ngân hàng đến từ Hàn Quốc mạnh tay điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà nhất. Sau khi áp dụng mức giảm lên tới 1%, lãi suất tại Shinhan Bank đã xuống chỉ còn 6,6%/năm, ghi nhận mức thấp nhất trong mảng tín dụng này. Tuy nhiên, thời gian ưu đãi khá ngắn, chỉ 6 tháng đầu tiên. Tỷ lệ cho vay tối đa của Shinhan Bank đứng ở nhóm thấp nhất thị trường với 70%.
Như vậy, sau tròn 1 năm, lãi suất cho vay mua nhà tại Shinhan Bank đã giảm rất sâu, giảm 4,3% so với con số 10,9% hồi tháng 12/2022.
Tốc độ giảm lãi suất tại Hong Leong Bank thấp hơn tại Shinhan Bank khá nhiều. Hiện tại, lãi suất phổ biến tại ngân hàng có trụ sở tại Malaysia được áp dụng ở mức 7,3%/năm, giảm so với con số 7,5% của tháng 11/2023. Hồi tháng 12/2022, lãi suất tại Hong Leong Bank lên tới 13%.
Trong khi đó, Woori Bank và HSBC vẫn duy trì lãi suất cho vay mua nhà ở mức 7,2% và 9,75%.
Trong khi đó, ngân hàng nội vẫn khá đủng đỉnh, chưa điều chỉnh biểu niêm yết. Một vài đơn vị vẫn có mức trên 10%/năm. Đó là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – MaritimeBank – MSB với 10,99%/năm; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank với 10,7%/năm và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank với 10,5%/năm, không đổi so với tháng trước.
Trước đây, MSB thường xuyên nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với chỉ 4,99%/năm. Dù vậy, mức ưu đãi này cũng chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn.
Một số ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp hơn 10% có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVcomBank (9%/năm); Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB (8,49%/năm); Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB (7,9%/năm). Trong đó, SCB gây chú ý khi có tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100%.
Ưu tiên cho ngôi nhà thứ nhất
Tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra hồi giữa tháng 11 năm nay, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank đánh giá ở góc độ khách hàng cá nhân mua nhà tự sử dụng, lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của người mua nhà.
Dù vậy, VPBank cân đối và xác định cho vay trong lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt, chú trọng đối với bất động sản tiêu dùng tức cho vay cá nhân mua nhà, mục đích tiêu dùng, tự sử dụng, ưu tiên tập trung đối với nhà ở xã hội giành cho các đối tượng có thu nhập thấp, cho vay Khu công nghiệp, khu chế xuất theo đúng định hướng của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, thận trọng, thắt chặt đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, các loại hình condotel.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank cho biết ngân hàng luôn tiên phong triển khai các chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, là một trong những tổ chức tín dụng đứng đầu trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho khách hàng theo Nghị định 31.
VietinBank có chính sách hỗ trợ lãi suất một phần cho người dân mua nhà thứ nhất để ở (mức hỗ trợ có thể là 2% bằng hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo Nghị định 31) và/hoặc có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay cụ thể đối với khách hàng mua bất động sản nhằm bình ổn thị trường và hỗ trợ các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho khách hàng.
VietinBank tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng lĩnh vực bất động sản đối với cả khách hàng doanh nghiệp và người dân để phục vụ các nhu cầu tín dụng thực chất, chính đáng, các dự án/phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng; Đặc biệt là với các phân khúc bất động sản có tiềm năng/triển vọng phát triển, phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở tại đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.