Những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (TN), tiêu cực (TC) thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe đối với các cá nhân, tổ chức đã và đang thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị nước ta.
PHÁT HIỆN, XỬ LÝ DỨT ĐIỂM NHIỀU VỤ ÁN LỚN
Cuộc chiến phòng, chống TN, TC ở Việt Nam có bước tiến mạnh, đột phá thông qua việc mở rộng phạm vi kiểm tra, giám sát ở cả khu vực công và khu vực ngoài nhà nước, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên công tác phòng, chống TN, TC được triển khai toàn diện, hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TN, TC phát biểu tại Phiên họp thứ 20 năm 2021. Ảnh: PV/TTXVN |
Những năm qua, số vụ TN,TC bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự đã cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước. Chỉ từ vụ án TN, TC xảy ra tại Công ty Việt Á đã xuất hiện nhiều sai phạm, tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, hình thành một dây chuyền kết nối từ Trung ương đến địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao: Xử lý kỷ luật, xử lý hình sự 3 Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy; 3 Thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng trong Lực lượng vũ trang và xử lý hình sự 99 trường hợp. Còn trong khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC… đều lần lượt được đưa ra ánh sáng.
“Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” TN, TC”
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG |
Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống TN, TC đã được ban hành trong thời gian qua tương đối đầy đủ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” TN, TC.
Nhằm phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị. Tất cả vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước, ý nguyện của nhân dân, nên phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
ĐẤU TRANH KIÊN TRÌ, LIÊN TỤC
Một câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra từ các vụ án TN, TC khi “Hàng loạt cán bộ cấp cao, sĩ quan cấp tướng, tá bị khởi tố trong các vụ án vừa qua là tại ai, tại cái gì? Tại cơ chế hay tại mình không chịu tu dưỡng, rèn luyện?”.
Trong hệ thống chính trị, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa” và TN, TC là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực – một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Và toàn bộ các tổ chức, cá nhân – đại diện thực thi quyền lực luôn đứng giữa ranh giới giữa “việc công và việc tư”, “lợi ích công và lợi ích riêng tư”, mà từ đó nhận thức sẽ quyết định cho hành động của họ.
Để trả lời cho câu hỏi đó, Tổng Bí thư đã lý giải rằng, những người có chức vụ, quyền hạn bị quyền lực tha hóa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gây tổn hại nhiều mặt đến đời sống xã hội, thậm chí vi phạm quyền con người. Đó là một việc cần phải lên án và xử lý nghiêm minh. Cho nên, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện TC, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham hố vật chất, quyền lực. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, cuộc chiến phòng, chống TN, TC là một cuộc chiến trường kỳ, không khoan nhượng, không chịu sức ép từ một thế lực nào. Tổng Bí thư đã chỉ ra mỗi tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm của người đứng đầu quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm “phòng ngừa, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa; phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây” như Bác Hồ đã dạy.
Do vậy, phải xử lý dứt điểm “từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi TN, TC và hành vi dung túng, bao che cho TN, TC, can thiệp, cản trở việc chống TN, TC; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật. Vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể sẽ tạo được hiệu ứng tích cực, tạo được sự đồng thuận của nhân dân và tạo sức lan tỏa toàn diện, mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng là lời tuyên bố chắc nịch, chiến lược lâu dài hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống TN, TC thực hiện trong những giai đoạn sắp tới. Đồng thời, thôi thúc lòng yêu nước, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân dù ở cương vị nào, tầng lớp nào đều nêu cao tính tự giác trong cuộc đấu tranh phòng, chống TN, TC ở các cơ quan, tổ chức, nơi mình làm việc nói riêng và góp thêm sức mạnh vào công cuộc đấu tranh phòng, chống TN, TC trong cả nước nói chung.
Với quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống TN, TC theo hướng từ sớm, từ xa, ngăn chặn TN “từ trong trứng”, ngay từ những tháng đầu năm 2023, công tác phòng, chống TN, TC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang triển khai ngày càng đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và từng bước tạo được niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống TN, TC.
MINH HIẾU
.