ANTD.VN – Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết: “Hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, có đến 80%-90% hàng giả được mua – bán trên mạng”. Do đó, vấn đề cấp thiết là phải dẹp yên được “mặt trận” này.
Ngăn hàng giả trên “chợ mạng” để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử lành mạnh |
Nhức nhối vi phạm hàng hóa trên “chợ mạng”
Theo ông Trần Hữu Linh, để phòng, chống và ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, tháng 3-2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đề án đã sửa đổi, bổ sung và khắc phục được những khoảng trống pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần bảo đảm hoạt động thương mại điện tử diễn ra minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, Đề án 319 ra đời là cần thiết và cấp bách vì hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua – bán trên mạng.
Tập huấn cho các lực lượng về chống hàng giả trên Internet |
“Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ nhưng hàng giả hàng nhái bán trên mạng xử lý vô cùng khó khăn. Tính nghiệp vụ trong truy quét, xử lý hàng giả, hàng nhái trên mạng rất cao. Do vậy, quá trình kiểm soát, xử lý… lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn như: địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng khó xác định, chứng cứ rất dễ thay đổi.
Hơn nữa, việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Điều này cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa”- ông Trần Hữu Linh nói.
Trong khi đó, vi phạm về hàng hóa của “chợ mạng” lại rất rộng, diễn ra ở nhiều ngành hàng như: thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử; thậm chí cả vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng; ma túy, chất kích thích…
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Phương Minh- đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho hay, hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín là bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm.
Theo ông Trần Hữu Linh, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên “chợ mạng”, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng QLTT nhưng vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thắt chặt kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên “chợ mạng”
Đại diện cho sàn TMĐT lớn, ông Phan Mạnh Hà – đại diện Shopee cho hay, tính đến hết tháng 11-2023, Shopee nhận được 0,0007% khiếu nại về hàng giả/ hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên tổng đơn hàng; 74,8% khiếu nại được chấp thuận và xử lý trong vòng 7 ngày; 0,1% khiếu nại được bên khiếu nại thu hồi…
Thời gian qua, Shopee bảo vệ cả người mua lẫn người bán bằng cách giữ số tiền giao dịch giữa người mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu: Người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 7 ngày (đối với Shop Mall) hoặc 3 ngày (đối với Shop không thuộc Mall) kể từ khi nhận được hàng, hoặc người mua đã nhấn “Đã nhận được hàng” (đối với Shop không phải là Shopee Mall), hoặc khi người mua đã gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền và Shopee đã xử lý xong…
Bên cạnh các giải pháp trên, Shopee cũng triển khai cơ chế tố cáo/báo cáo vi phạm và xử lý tố cáo. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng tính năng tố cáo trên ứng dụng di động Shopee để gửi báo cáo về sản phẩm hoặc hành vi vi phạm hàng giả/nhái bất cứ lúc nào. Bộ phận kiểm duyệt sẽ tiếp nhận thông tin và có cơ chế xử lý nếu nội dung và bằng chứng tố cáo chính đáng.
Các đăng bán và nhà bán hàng vi phạm sẽ bị áp dụng chính sách chế tài từ Shopee từ mức độ nhẹ (nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ đăng bán) đến mức độ nặng nhất (xóa bỏ đăng bán, khóa tài khoản vĩnh viễn) tùy theo vi phạm…
Bà Vũ Thị Minh Tú – đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cũng cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sử hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng” – bà Vũ Thị Minh Tú thông tin.
Nêu quan điểm chỉ đạo dẹp nạn hàng giả, hàng nhái trên “chợ mạng”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh: “Chúng ta không bàn nữa, việc khó mấy vẫn phải làm. Trước , cần phải siết chặt hoạt động cấp phép cho các sàn, gian hàng trên các sàn từ đó kiểm soát chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp cũng như xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Lực lượng QLTT xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới”.