Thời gian gần đây, một số đối tượng, tổ chức người Việt ở nước ngoài và cả một số trang tin phương Tây liên tiếp tung ra các luận điệu vu cáo về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Các đối tượng này lợi dụng việc cơ quan chức năng Việt Nam xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật núp bóng hoạt động tôn giáo, hoặc lợi dụng những dịp phái đoàn của Việt Nam thực hiện các chuyến công tác nước ngoài về nhân quyền và tôn giáo, qua đó tăng cường tần suất các hoạt động bôi nhọ, xuyên tạc về tự do tôn giáo và các quy định của pháp luật Việt Nam về tôn giáo tín ngưỡng.
Những chiêu trò núp bóng tôn giáo
Ngày 28/9, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt RLan Thih (SN 1980, tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) 8 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”.
Cáo trạng ghi rõ bị cáo đã lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào nhóm biến tướng của một tổ chức gọi là “Tin Lành Đê Ga”, âm mưu thành lập cái gọi là nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Chỉ vài ngày sau, một số trang tin nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam, các tổ chức phản động ở hải ngoại đã rêu rao rằng một tín đồ Tin Lành ở Gia Lai bị án 8 năm tù, xuyên tạc rằng người dân tộc thiểu số hoạt động tôn giáo bị kết tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” chỉ vì họ theo một tổ chức tôn giáo độc lập. Các tổ chức phản động cho rằng Việt Nam thường sử dụng tội danh phá hoại chính sách đoàn kết để trấn áp người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hoạt động tự do tôn giáo.
Hiện ở Việt Nam có hơn 1 triệu tín đồ của gần 100 hệ phái nhóm Tin Lành khác nhau nhưng Rlan Thih không phải là một tín đồ của đạo Tin Lành, tổ chức “Tin Lành Đê Ga” cũng chưa từng được nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động. RLan Thih chỉ là kẻ mượn danh một tôn giáo để phạm tội.
Phiên xét xử đã khẳng định, đối tượng này thực hiện các hành vi gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, quy định tại điều 116 Bộ luật hình sự với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Lợi dụng hoạt động đối ngoại
Lợi dụng việc Việt Nam sẽ tham gia phiên báo cáo rà soát thực thi công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc, diễn ra vào cuối năm nay tại Thụy Sĩ, một tổ chức phản động hải ngoại rêu rao rằng đã đệ trình cho ủy ban các bản báo cáo về việc Việt Nam kỳ thị chủng tộc đối với những “người thượng bản địa và sắc dân thiểu số Mông” chỉ vì những người này giữ một niềm tin tôn giáo.
Mới đây, đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam đã có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Thông qua chuyến đi, các bên trao đổi thông tin về thành tựu tôn giáo, chính sách tôn giáo một cách thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ những vướng mắc cần giải quyết và mong muốn duy trì mối quan hệ phát triển đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hiện nay.
Đoàn công tác đã trao đổi, cập nhật thông tin, tình hình kịp thời, cụ thể về các trường hợp phía Hoa Kỳ quan tâm, còn thiếu thông tin; ghi nhận danh sách một số trường hợp do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Văn phòng USCIRF nêu ra và đề nghị phía Hoa Kỳ thời gian tới cần thông tin kịp thời thông qua kênh chính thức (cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và Ban Tôn giáo Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Phía Hoa Kỳ ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam thời gian qua và đề nghị Đoàn công tác trao đổi cụ thể về quá trình triển khai, sửa đổi các quy định về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt, việc thực hiện ở cấp địa phương, vùng sâu vùng xa; vấn đề hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức tôn giáo trong đăng ký hoạt động tôn giáo; đất đai liên quan đến một số cơ sở tôn giáo; đảm bảo quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã đưa ra lập luận cụ thể, chặt chẽ các vấn đề sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam do các tổ chức, cá nhân của Hoa Kỳ nêu ra và đề nghị phía Hoa Kỳ không ủng hộ hay sử dụng thông tin một chiều từ các cá nhân, tổ chức người Việt phản động lưu vong tại Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị hai bên tăng cường đối thoại trên tinh thần xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, không để các hoạt động và nhận thức sai lệch làm ảnh hưởng tới mối quan hệ, qua đó, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vượt qua sự khác biệt, thúc đẩy triển khai thỏa thuận hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.
Qua làm việc với các cơ quan ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ, đối với các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, sau khi đoàn trao đổi, làm rõ và cung cấp thông tin kịp thời, phía Hoa Kỳ ghi nhận sự phối hợp, chia sẻ của đoàn công tác.
Các đối tượng chống phá còn đưa ra yêu cầu phi lý về một sự tự do không giới hạn trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam, khi vu cáo rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị dựng hàng rào thủ tục; hay trắng trợn xuyên tạc rằng tổ chức tôn giáo phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc thì mới được cấp giấy phép hoạt động.
Thực tế tại Việt Nam đang có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 1/4 dân số cả nước; 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau tại gần 30.000 cơ sở thờ tự. Mọi tôn giáo đều được tự do hoạt động trong khuôn khổ luật pháp nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, người theo các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, những luận điệu xuyên tạc vu khống núp dưới chiêu bài tôn giáo không nhằm mục đích gì khác là gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ hợp tác đang ngày càng phát triển của Việt Nam với các quốc gia, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phương Anh