Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 20/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập. Quy định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 16-12-2023.
Đây là một trong những nỗ lực nhằm sắp xếp lại bộ máy nhân sự, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông.
Thay đổi nhiều vị trí việc làm
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố rà soát bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, phấn đấu từ nay đến năm 2026 giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM), việc rà soát nhân sự thực hiện trên cơ sở Thông tư 20/2023 quy định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc tại các trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30-10-2023, thay thế Thông tư 16/2017 về danh mục khung vị trí việc làm cũng do bộ này ban hành vào tháng 7-2017.
Theo đó, thay đổi lớn nhất của các vị trí việc làm trong trường học là có thêm biên chế giáo vụ và tư vấn học sinh. Trong khi theo quy định cũ, trường học chỉ được phân bổ biên chế giáo vụ nếu thuộc một trong 2 loại hình gồm: trường dành cho trẻ khuyết tật hoặc trường phổ thông dân tộc nội trú. Khi áp dụng quy định mới, tất cả loại hình trường học đều có vị trí việc làm giáo vụ. Tương tự, đối với vị trí nhân viên tư vấn tâm lý cho học sinh, từ học kỳ 1 năm học 2023-2024 trở về trước, các trường phải phân công giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng ngắn hạn với chuyên gia tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, khi áp dụng danh mục vị trí việc làm mới, các trường sẽ danh chính ngôn thuận tuyển ứng viên có đủ trình độ, bằng cấp phụ trách công tác tư vấn cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động này tại các trường học.
Ở chiều ngược lại, nhân viên y tế trường học trước đây tuyển dụng theo hình thức viên chức thì khi thực hiện quy định mới sẽ chuyển sang ký hợp đồng lao động đối với nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong trường phổ thông.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1), cho biết, trước đây, TPHCM chỉ áp dụng chế độ chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, từ ngày 29-9-2023, đối tượng hưởng chính sách thu nhập tăng thêm đã mở rộng cho cả người làm việc theo hình thức hợp đồng lao động do cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động thực hiện công tác hỗ trợ, phục vụ. Do đó, về cơ bản, tuyển dụng theo hình thức viên chức hay ký hợp đồng lao động không chênh lệch nhiều về thu nhập đối với người lao động, song tuyển dụng theo ký kết hợp đồng lao động sẽ phần nào giảm đi tính thu hút của vị trí việc làm này, gián tiếp ảnh hưởng nguồn tuyển ứng viên của các trường phổ thông.
Khó tinh giản giáo viên
Chia sẻ về chính sách tinh giản biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết, ở hầu hết các trường THPT hiện nay, tuyển dụng không thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng mà do cơ quan quản lý cao hơn thực hiện, trừ số ít loại hình trường đặc thù được giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên. Do đó, để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Sở GD-ĐT TPHCM cần rà soát nhân sự ở tất cả đơn vị trường học, thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường này qua trường khác nếu xảy ra tình trạng thừa/thiếu giáo viên chứ không thể giao về cho các trường thực hiện. Ngoài ra, hiện nay một lực lượng lớn lao động trẻ ở các trường phổ thông làm việc theo hình thức hợp đồng có thời hạn.
“Nếu thực hiện tinh giản biên chế, trường học phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối các nguồn thu để chi trả thu nhập phù hợp hiệu quả làm việc của người lao động, tránh ảnh hưởng đến việc phát triển nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nhà trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ.
Theo phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 (TPHCM), quy định mới của Bộ GD-ĐT về danh mục vị trí việc làm không thay đổi định mức số lượng người làm việc đối với giáo viên. Trong đó, bậc tiểu học quy định tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày; 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 1 buổi/ngày. Tương tự, trường THCS bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp và trường THPT tối đa 2,25 giáo viên/ lớp, trừ các loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường dành cho học sinh khuyết tật, trường THPT chuyên được bố trí tỷ lệ giáo viên cao hơn.
Như vậy, quy định mới không có bất kỳ xáo trộn nào về phân bổ giáo viên, do đó khó thực hiện yêu cầu tinh giản trong bối cảnh hoạt động dạy và học ở các trường đã đi vào ổn định. “Tinh giản nếu có chỉ rơi vào đối tượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019, tuy nhiên số lượng này rất ít. Trong khi đó, nhiều vị trí tuyển dụng giáo viên các bộ môn năng khiếu gần như không có nguồn tuyển nhiều năm nay khiến chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu giáo viên”, vị phó hiệu trưởng này cho biết.
THU TÂM