Climate Central, một nhóm nghiên cứu khí hậu phi lợi nhuận, gần đây đã công bố một nghiên cứu cung cấp cái nhìn rõ nét về cách nước biển dâng có thể gây ngập lụt, thậm chí nhấn chìm hoàn toàn, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới
Thế giới đang đối mặt với những hậu quả của biến đổi khí hậu khiến hành tinh nóng lên, bao gồm hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt chết người và sự tan chảy nhanh chóng của sông băng và băng trên khắp thế giới. Các nhà khoa học cho biết, sự gia tăng dần đều của mực nước biển toàn cầu sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ khi nhiệt độ tăng cao hơn.
Khi các nhà lãnh đạo và đại biểu toàn cầu tập trung tại Dubai để tham dự COP28 – Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc, Climate Central đã minh họa rủi ro nếu các quốc gia không ngăn chặn được xu hướng nóng lên nhanh chóng của hành tinh. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy thế giới hiện đang trên đà nóng lên tới 2,9 độ C.
Sử dụng các dự báo mực nước biển dâng được bình duyệt (peer-reviewed) và độ cao cục bộ từ các mô hình của chính mình, Climate Central cho thấy những hình ảnh tương phản rõ rệt giữa thế giới hiện tại và tương lai thủy triều dâng, nếu hành tinh ấm lên đến 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong số 196 địa điểm trên khắp các châu lục trên thế giới mà Climate Central mô hình hóa, có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai, UAE; Pháo đài Real Felipe ở Lima, Peru; Bảo tàng Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya ở Mumbai, Ấn Độ; Cung điện Christiansborg ở Copenhagen, Đan Mạch; Quảng trường Thành phố Hoa (Huacheng Square) ở Quảng Châu, Trung Quốc; hay Văn Miếu Quốc Tử Giám (Temple of Literature) ở Hà Nội, Việt Nam.
Văn Miếu Quốc Tử Giám (Temple of Literature) ở Hà Nội, Việt Nam
“Các quyết định được đưa ra tại COP28 sẽ định hình tương lai lâu dài của các thành phố ven biển trên Trái đất, bao gồm cả Dubai”, ông Benjamin Strauss, nhà khoa học trưởng và CEO của Climate Central cho biết.
Các nhà khoa học khí hậu đã báo cáo rằng thế giới ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nó đang trên đà vượt qua mức nóng lên 1,5 độ C trong những năm tới – một ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học cho rằng con người và hệ sinh thái sẽ phải vật lộn để thích nghi.
Bảo tàng Ermitazh (State Hermitage Museum) – bảo tàng nghệ thuật lớn thứ hai trên thế giới tính theo không gian trưng bày, ở St. Petersburg, Nga
Năm 2015, tại COP21 ở Paris, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, nhưng tốt nhất là ở mức 1,5 độ C.
Việc thế giới trên đà hướng tới mức ấm lên 2,9 độ C có thể đe dọa sự sống còn của các cộng đồng ven biển, các quốc gia vùng trũng và các quốc đảo nhỏ trên khắp thế giới.
Cung điện Christiansborg ở Copenhagen, Đan Mạch
Pháo đài Real Felipe ở Lima, Peru
Quảng trường Thành phố Hoa (Huacheng Square) ở Quảng Châu, Trung Quốc
“Sự tồn tại của những nơi này và di sản ở đó sẽ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành có thể đồng ý cắt giảm ô nhiễm carbon đủ mạnh và đủ nhanh để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C hay không”, ông Strauss nói.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố hôm 30/11 – ngày COP28 chính thức khai mạc, năm 2023 được coi là năm nóng kỷ lục. Mỗi tháng từ tháng 6 đến tháng 10 đều lập kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu hàng tháng với biên độ rộng, trong khi nhiệt độ đại dương cũng đạt mức cao kỷ lục.
Bảo tàng Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya ở Mumbai, Ấn Độ
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao này đang khiến các sông băng và tảng băng tan chảy ở mức báo động, làm bổ sung một lượng nước đáng kể cho các đại dương trên Trái đất. Ngay cả Nam Cực, lục địa biệt lập nhất hành tinh, cũng đang chứng kiến những hiện tượng tan chảy chưa từng có. Sự tan chảy của một số sông băng lớn hiện nay là điều không thể tránh khỏi và có thể gây ra những tác động tàn khốc đối với mực nước biển dâng trên toàn cầu.
Khoảng 385 triệu người hiện đang sống ở những khu vực cuối cùng sẽ bị nước biển tràn ngập khi thủy triều lên, ngay cả khi tình trạng ô nhiễm do hiện tượng nóng lên của hành tinh giảm đáng kể, theo Climate Central.
Sân bay Adelaide, Australia
Nếu chúng ta hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, mực nước biển dâng vẫn sẽ ảnh hưởng đến các vùng đất với tổng cộng 510 triệu người sinh sống hiện nay. Nhưng nếu hành tinh ấm lên tới 3 độ C, thủy triều dâng cao có thể “nuốt gọn” các vùng đất nơi có hơn 800 triệu người sinh sống, một nghiên cứu gần đây cho thấy.
Mặc dù những kịch bản này có thể nhiều thế kỷ nữa mới xảy ra, các nhà khoa học cho biết với mỗi mức độ nóng lên, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai, UAE
Tại COP28, các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ thảo luận cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang làm nóng hành tinh để ngăn chặn viễn cảnh bị chìm dưới nước của nhiều thành phố trên thế giới. Những cuộc đàm phán này luôn khó khăn, gây tranh cãi và bộc lộ những vết nứt sâu rộng giữa các phần của thế giới.
Minh Đức (Theo CNN, 9News, Climate Central)