Lúa tới vụ được bao tiêu
10 năm nay, mỗi khi đến vụ thu hoạch, toàn bộ hơn 1ha lúa của ông Lâm Văn Hùng ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đều được một doanh nghiệp tại địa phương bao tiêu với giá ổn định. Ông Hùng cho biết: Trước đây đến vụ làm lúa rất cực vì phải lo tìm mối lái để bán. Năm nào giá lúa cao thì dễ bán, còn khi sụt giá, thương lái họ “đỏng đảnh” cứ kì kèo giá từng chút một. Bán giá thấp thì không có lời, còn giá cao thì không ai mua.
“Từ khi liên kết với doanh nghiệp, dù giá cả biến động, họ vẫn thu mua, nông dân không sợ không bán được lúa. Vào đầu vụ, doanh nghiệp đưa giống cho mình trồng, đến lúc thu hoạch còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa đến kho. Năm nay, giá lúa cao, doanh nghiệp cũng mua cao hơn cam kết ban đầu. Nhưng vậy quá tốt rồi”, ông Hùng phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Văn Đậm – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tín Phát (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) – thông tin, để bảo đảm hoạt động hiệu quả, HTX chủ động ký kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp cung cấp các loại vật tư, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc BVTV an toàn, chất lượng cho thành viên, với giá thành thấp hơn 5 – 7% so với giá thị trường. Ngoài ra còn liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa nên xã viên ai nấy cũng yên tâm sản xuất. Ông Bùi Công Minh – thành viên HTX nông nghiệp Tín Phát – vui vẻ nói: “Bây giờ nông dân không còn đơn độc trên đồng ruộng, không còn phải tự bươn chải tìm mối lái tiêu thụ lúa nữa”.
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tích cực triển khai công tác kết nối giữa doanh nghiệp với các HTX, Tổ hợp tác và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết tại tỉnh ngày càng nhiều. Việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa ngày càng tăng.
Tính từ năm 2020 – 2022, việc tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh đã thu hút trên 100 công ty, doanh nghiệp và thương lái trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua, với diện tích bình quân hơn 50.650ha/năm. Lợi nhuận trong năm bình quân người dân thu được từ 8,6 – 26,3 triệu đồng/ha.
Đặt chữ “tín” lên hàng đầu
Ở một số nơi, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thường xảy ra mâu thuẫn khi giá cả thị trường có sự biến động. Như trong trường hợp giá lúa giảm, công ty không mua lúa của dân, bỏ cọc mua lúa, người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Hay khi giá lúa lên cao nông dân vì lợi nhuận “phá” hợp đồng để bán cho bên ngoài. Tuy nhiên, ở Sóc Trăng, sợi dây liên kết này được đánh giá là khá bền chặt. Bởi nông dân – HTX – doanh nghiệp có sự cảm thông cho nhau.
Ông Hứa Thành Nghĩa – Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) – cho biết: Tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp Hồ Quang ở thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng – nơi sản xuất gạo ST25 nổi tiếng với diện tích trên 100 hecta. Hơn 10 năm qua, tình trạng các thành viên “bẻ kèo” vì giá cả chưa bao giờ xảy ra.
“Điển hình ngay trong vụ lúa Hè Thu 2023, khi lúa đang lên “cơn sốt” giá, cao hơn giá của doanh nghiệp bao tiêu nhưng chúng tôi đều đồng thuận bán cho đơn vị đã ký kết. Thời điểm ấy, doanh nghiệp cũng tăng thêm 200 đồng/kg lúa. Chúng tôi nghĩ đến việc làm ăn lâu dài chứ không vì cái lợi trước mắt”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Đậm – Giám đốc HTX nông nghiệp Tín Phát – cho biết: Hiện nay, diện tích HTX là 500ha trồng lúa, sản lượng khoảng 2.000 tấn/vụ. Khi gần đến ngày thu hoạch, HTX sẽ chủ động tìm doanh nghiệp thu mua cho các thành viên, thông thường giá sẽ cao hơn 200 đồng/kg so với thị trường. “Mỗi vụ mùa, Ban giám đốc HTX đều quán triệt tinh thần cho các xã viên là chữ “tín” phải đặt lên hàng đầu. Khi giá lúa lên cao đơn vị thu mua sẽ hỗ trợ một phần, còn khi giá thấp HTX cũng phải đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Có như vậy mới hợp tác lâu dài được”, ông Đậm nói.
window.fbAsyncInit=function(){FB.init({appId:’194889717576327′,cookie:true,xfbml:true,version:’v13.0′});FB.AppEvents.logPageView();};(function(d,s,id){var js,fjs=d.getElementsByTagName(s)[0];if(d.getElementById(id)){return;}
js=d.createElement(s);js.id=id;js.src=”https://connect.facebook.net/vi_VN/sdk.js”;fjs.parentNode.insertBefore(js,fjs);}(document,’script’,’facebook-jssdk’));
Nguồn