Các nhà thiên văn học đã sử dụng hai vệ tinh được mệnh danh “thợ săn hành tinh” là TESS của NASA và Cheops của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) để hóa giải một bí ẩn của vũ trụ và giúp tìm thấy hệ mặt trời hiếm thấy đang ở cách trái đất khoảng 100 năm ánh sáng.
Quỹ đạo của 6 hành tinh tập trung quanh sao HD110067, tương tự như mặt trời, và thuộc chòm sao Hậu Phát (Coma Berenices) ở bầu trời phương bắc.
Có kích thước lớn hơn trái đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương, những hành tinh trên đều thuộc lớp các hành tinh ít biến đến, gọi là lớp tiểu Hải Vương tinh.
Thuật ngữ tiểu Hải Vương tinh dùng để chỉ một hành tinh có bán kính nhỏ hơn sao Hải Vương, dù khối lượng có thể cao hơn, hoặc chỉ một hành tinh có khối lượng nhỏ hơn sao Hải vương nhưng bán kính lại lớn hơn.
Và những hành tinh trên, được đặt tên từ b đến g, quay xung quanh sao trung tâm trong một vũ điệu mà các nhà nghiên cứu gọi là “nguyên thủy”.
Vũ điệu nguyên thủy
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature, đội ngũ các nhà thiên văn học phát hiện các hành tinh di chuyển theo một mô hình rõ ràng và tác động lực hấp dẫn lẫn nhau.
Cụ thể, sau khi hành tinh gần nhất là b hoàn tất 6 quỹ đạo quanh sao trung tâm, hành tinh ngoài cùng là g sẽ hoàn thành quỹ đạo của nó.
Khi hành tinh c hoàn tất 3 vòng, hành tinh d lại xoay đúng 2 vòng. Và khi hành tinh e hoàn tất 4 vòng quanh quỹ đạo, hành tinh f lại hoàn thành 3 vòng.
Sự hài hòa trên tạo nên một chuỗi cộng hưởng, với toàn bộ 6 hành tinh lại xếp thẳng hàng sau vài vòng quỹ đạo.
Điều khiến gia đình hành tinh trên “không giống ai” đó là mọi chuyển động dường như vẫn y nguyên so với lúc mới hình thành cách đây hơn 1 tỉ năm.
Những gì diễn ra cho thấy hệ sao dường như vẫn còn trong tình trạng an ổn, không bị sự tác động của ngoại lực.
Việc tìm hiểu hệ sao HD110067 hứa hẹn cho phép giới thiên văn học có thể hóa giải những bí mật về các hành tinh thuộc hệ mặt trời chúng ta.