Hôm nay, 3.12, Ngày hội toán học mở TP.HCM 2023 diễn ra tại Trường song ngữ quốc tế Canada, Q.7, TP.HCM. Ngày hội có phần chia sẻ của GS Dương Nguyên Vũ, sáng lập viên và giảng viên chương trình tiên tiến APCS tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), GS ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU).
Những năm 1980, ông Dương Nguyên Vũ lần đầu tiên đặt chân tới Pháp, được nhận vào học đồng thời tại Trường kiến trúc thuộc Học viện quốc gia mỹ thuật và Trường quốc gia Cầu cống thuộc Viện Công nghệ Paris.
Năm 1990, ông nhận bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo, đồng thời ghi dấu Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới với sáng kiến “Bay tự do hơn”, ứng dụng toán học để tối ưu dự đoán, điều tiết lịch trình bay và công trình – đường bay tự kiểm soát. Sáng kiến này đã đưa ông trở thành chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không… Ông cũng là Giám đốc sáng lập Viện John Von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM) tới năm 2017.
“Người thầy là huấn luyện viên”
GS Dương Nguyên Vũ cho biết ông dạy học ở Việt Nam từ năm 1997, môn trí tuệ nhân tạo (AI), điều khiến ông nhớ nhất đến tận bây giờ đó là ánh mắt của các em sinh viên, ánh mắt lấp lánh sự tò mò với những cái mới. Đó cũng là điều thôi thúc ông phải làm gì đó giúp cho các sinh viên.
Theo GS Dương Nguyên Vũ, trong kỷ nguyên AI, người thầy không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức cho sinh viên mà còn là huấn luyện viên, hướng dẫn cho sinh viên, giúp các em tự học được nhiều hơn. Bởi trong kỷ nguyên AI, kiến thức không chỉ ở những thầy cô giáo mà còn ở khắp nơi. Kỷ nguyên AI cho phép tạo ra những lớp học không có ranh giới, lớp học mà học sinh, sinh viên người Việt Nam có thể ngồi học cùng các bạn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…
AI cũng có công cụ có thể giải quyết bài toán cá nhân hóa cách học, để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. Bởi trong mỗi lớp học, mỗi người học có tiềm năng khác nhau, tài năng khác nhau, mỗi sinh viên là mỗi nhà vô địch trong một lĩnh vực nhưng cách các em được học, được tiếp thu kiến thức khác nhau. Khi giảng viên giảng bài, nếu vì một lý do nào đó, có một em sinh viên vắng mặt, hổng mất kiến thức một ngày hôm đó. Ban đầu lỗ hổng nhỏ, nhưng dần dần, lỗ hổng kiến thức từ lớp trước cứ lớn dần hơn ở các lớp sau, dần dần nó trở nên quá lớn, các em buộc phải nghỉ học. Điều đó không công bằng trong giáo dục.
Công cụ AI có thể giải quyết được vấn đề này, cá nhân hóa cách học, giúp người học được học cái gì mình muốn, theo cách của mình, đảm bảo được mục tiêu giáo dục.
Theo GS Dương Nguyên Vũ, trong kỷ nguyên AI, người học cần được đào tạo về tư duy phản biện, cần được trang bị nhiều kỹ năng mới, trong đó rất quan trọng là tiếng Anh. Đồng thời, mỗi người cũng phải có sự cân bằng, giữa thể chất và tinh thần, giữa học và chơi để sẵn sàng với những thử thách mới. Người học cũng phải có sự chuẩn bị tốt cho tương lai, mỗi ngày khám phá ra những tiềm năng mới của chính mình.
“Điều khiến tôi trở về Việt Nam công tác là nhìn thấy những tiềm năng ở người trẻ Việt Nam, các bạn sẵn sàng bước ra vòng tròn của mình, khám phá ra tiềm năng của mình mỗi ngày. Tiềm năng của sinh viên Việt Nam rất lớn, nếu được khai phá hết các bạn sẽ tạo được rất nhiều thành tựu tự hào”, GS người Việt từng là Trưởng phòng nghiên cứu sáng tạo và cố vấn khoa học cao cấp tại tổ chức châu Âu vì sự an toàn hàng không, thành viên của Ủy ban khoa học – hội đồng châu Âu và song song giảng dạy tại 2 trường đại học của Pháp, nhận định.
AI có thể thay thế người thầy được không?
GS Dương Nguyên Vũ cho biết trong kỷ nguyên AI, người thầy là người chuyển giao những đam mê về các môn học cho sinh viên. Với kinh nghiệm của người thầy trong lĩnh vực đó, người thầy có thể trao đổi, thảo luận cho sinh viên nhiều vấn đề trong và bên lề môn học, đó là điều AI không làm được.
Một người mẹ tham gia ngày hội đặt câu hỏi tới GS Dương Nguyên Vũ: “Tôi không giỏi toán cũng không hiểu gì về AI thì có thể đồng hành cùng con như thế nào?”. GS Dương Nguyên Vũ trả lời, phụ huynh có thể chỉ dạy, hướng dẫn cho con về tư duy phản biện. Hãy dạy cho con biết nêu những góc nhìn, có tư duy phản biện, làm sao để chúng ta có thể nhìn thấy điều mà người khác không thấy một cách tự nhiên, điều đó rất quan trọng.
“Thế giới có đổi thay đến đâu, bất cứ điều gì có thể xảy ra thì trái tim của người thầy, trái tim của cha mẹ và trái tim của người học đều vô cùng quan trọng. Trong đó, điều quan trọng nhất là trái tim người học”, GS của ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore bộc bạch.
Anh Nguyễn Đại Nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng theo học công nghệ thông tin năm 25 tuổi và vừa là thủ khoa đầu ra của khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng AI là công cụ hỗ trợ con người.
Anh Nguyễn Đại Nghĩa cho biết trước đây anh học y khoa, định hướng liên quan chẩn đoán hình ảnh, anh mong muốn nghiên cứu phương pháp đưa AI vào trong chẩn đoán hình ảnh và thấy AI, deep learning (học sâu) là một bước tiến lớn, ngày càng phổ biến. Song với anh, AI, deep learning là thành quả nghiên cứu của con người, là công cụ hỗ trợ con người chứ không thể thay thế được người thầy.
Ngày hội toán học mở TP.HCM 2023 (MOD) do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM; Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường song ngữ quốc tế Canada (Sedbergh Vietnam) tổ chức với chủ đề “Toán học cho mọi người – Dạy học trong kỷ nguyên AI”.
Trong số các diễn giả tham gia chia sẻ tại ngày hội, ngoài GS Dương Nguyên Vũ, anh Nguyễn Đại Nghĩa, còn có ông Trần Trọng Nghĩa, CEO Megaedu; thạc sĩ Hoàng Minh Thông, tổ trưởng tổ phát triển chương trình và chuyển đổi số Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM; tiến sĩ Lê Khánh Duy, chuyên gia về đổi mới và tương tác người-máy (Innovation and Human – Computer Interaction) với 5 bằng sáng chế quốc tế.
Tại ngày hội, hàng ngàn học sinh các trường học từ tiểu học tới THPT tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận tham gia các hoạt động trải nghiệm liên quan ứng dụng toán học, STEM, AI chủ đề “Trong xứ sở toán học diệu kỳ”…