CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) vào cuối tuần qua đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp này cho biết, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy đối với ngành may sẽ lỗ rất nhiều. Do vậy, công ty đã tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Garmex Sài Gòn được biết đến là một doanh nghiệp dệt may có quy mô khá lớn tại Gò Vấp, TP.HCM với số lượng người lao động quanh mức 4.000 người trong khoảng thời gian từ năm 2017 tới 2021.

Tuy nhiên, số lượng nhân sự của Garmex Sài Gòn giảm mạnh từ nửa cuối năm 2021, xuống khoảng 2.000 người vào cuối năm 2022, trước khi tụt giảm xuống chỉ còn 37 người vào cuối tháng 9/2023.

Theo Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí, đồng thời chưa tuyển lại lao động cho ngành truyền thống. Và khi có sự thuận lợi của thị trường vừa đủ, công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không thì “tùy thuộc vào tình hình thị trường”.

Bên cạnh đó, Garmex Sài Gòn sẽ tối ưu hóa nguồn lực hiện có, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng bán tài sản không sử dụng, đồng thời đa dạng hóa ngành nghề để giảm thiểu rủi ro. Công ty cũng cho biết có đầu tư mới vào dự án nhà ở của CTCP Phú Mỹ trong năm nay (diện tích khoảng 1,5ha).

Như vậy, thông tin của Garmex Sài Gòn khá rõ ràng. Doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là dệt may và có thể sẽ không quay trở lại ngành này. Doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực bất động sản.

garmexsaigon gmc2.gif
Doanh nghiệp ngành này đã ngừng hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là dệt may và có thể sẽ không quay trở lại ngành này.

Mặc dù đón nhiều thông tin không tích cực, cổ phiếu GMC tăng khá mạnh trong 3 phiên gần đây, từ mức 7.200 đồng lên 7.840 đồng/cp.

Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp dệt may có tên tuổi tại TP.HCM với nhiều nhà máy tại một số địa phương như: Bình Tiên (TP.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Garmex Quảng Nam (Quảng Nam)…

Trong quý III vừa qua, Garmex Sài Gòn ghi nhận doanh thu giảm 99% so với cùng kỳ xuống còn vài chục triệu đồng và lỗ 11 tỷ đồng – quý lỗ thứ 5 liên tiếp. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 97% xuống còn hơn 8 tỷ đồng, lỗ 44 tỷ đồng.

Sở dĩ Garmex Sài Gòn gặp khó và phải sa thải phần lớn người lao động là vì doanh nghiệp này không có đơn hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, GMC không ghi nhận doanh thu phát sinh từ đối tác chính CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh  – Gilimex (GIL). Trong khi cùng kỳ năm trước, GMC thu từ GIL hơn 224 tỷ đồng.

Ngành dệt may còn nhiều khó khăn

Garmex Sài Gòn gặp khó khi Gilimex rơi vào tình trạng thê thảm sau cú sốc đến từ gã khổng lồ Amazon. Gilimex không còn đơn hàng lớn từ Amazon, hệ quả từ vụ GIL khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC.

Amazon từng là đối tác chính của Gilimex từ năm 2014. Trong giai đoạn dịch bệnh, thương mại điện tử bùng nổ, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa cho Amazon, tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất đơn hàng khủng cho ông lớn Mỹ. Hoạt động sản xuất cho Amazon tăng gấp hàng chục lần trong những năm qua.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của gã khổng lồ Amazon, Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear… 

Theo thông tin từ Gilimex, trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó khiến GIL gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Câu chuyện Gilimex và Amazon là một ví dụ về quá tập trung vào một khách hàng. Và khi có biến cố, Gilimex ngay lập tức rơi vào tình thế bị động, ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may cũng rất khó khăn, rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Trong quý III/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận giảm khoảng 70% xuống còn 27 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng lượng xuất khẩu của ngành dệt may năm 2023 dự kiến giảm khá mạnh so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn trên toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm. Nhiều thị trường lớn ghi nhận sự đình trệ.

Với UKVFTA, dệt may nhiều lợi thế tại thị trường AnhTrong thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục giảm nhập khẩu hàng may mặc từ thị trường EU, thay vào đó, Anh sẽ đẩy mạnh nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU, trong đó có Việt Nam.