Việt Nam đang trên lộ trình hiện thực hoá tầm nhìn xanh của mình với những nỗ lực, quyết tâm cao từ cấp bộ, ngành, địa phương… cho đến các hiệp hội, doanh nghiệp.
Hội nghị COP28 sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết với tăng trưởng xanh. (Nguồn: VGP News) |
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong phát biểu, Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Cam kết của Thủ tướng Việt Nam ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế. Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050”, hãng thông tấn Reuters nhấn mạnh Việt Nam đã “gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu”.
Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Cam kết đi kèm hành động
Chia sẻ tại Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” mới đây tại Hà Nội, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, việc Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 đã gây sửng sốt toàn nhân loại bởi những nước mạnh hơn cũng chỉ cam kết như Việt Nam. Những nước như Ấn Độ cũng cam kết một cách dè dặt là đến năm 2070, Trung Quốc cam kết đến năm 2060.
Tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời, đây là hướng phát triển. Lựa chọn đi theo hướng này có khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong khu vực. Người đi đầu sẽ có gian khổ nhưng cũng là người có lợi đầu tiên. Đó là lợi ích cho người dân Viêt Nam đầu tiên.
“Thế giới đang triển khai rất nhiều chiến lược tăng trưởng xanh cấp quốc gia, cấp toàn cầu. Việt Nam – có một cái hay – đó là không nước nào cam kết dữ dội như Việt Nam, cam kết với toàn thế giới mà toàn cam kết đỉnh cao. Vì cam kết lớn như vậy thì chúng ta có thể đương đầu với những thách thức lớn. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ… Với những yếu tố đó, Việt Nam có thể đi sau về trước”, ông Thiên nhấn mạnh.
Theo ông Trần Đình Thiên, mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập bình quân cao (lớn hơn 12.000 USD) vào năm 2045 sẽ là một mục tiêu rất thách thức, đòi hỏi sự phát triển khác thường so với giai đoạn trước đây. Nếu làm được thì tăng trưởng sẽ vượt qua nền kinh tế thâm dụng lao động rẻ tiền. Bên cạnh đó, khi thay đổi phương thức phát triển, Việt Nam còn phải chống chịu với thách thức khác với nhiều nước, đó là chống chịu được biến đổi khí hậu. Đồng thời, thay đổi phương thức sống, áp lực phát triển đô thị. Theo đó, phải thay đổi phương thức phát triển, trong đó xanh là chủ yếu.
“Để cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược tăng trưởng xanh này, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch, theo đó Chính phủ đã cam kết cụ thể chứ không chỉ là cam kết chung. Tôi thấy rất rõ là kế hoạch hành động ngày càng cụ thể hơn, có 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể đồng thời xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp. Đây là chỉ tiêu vô cùng quan trọng, không có thì chúng ta không tăng trưởng được.
Để làm được điều này, chúng ta phải làm nhiều việc, có thể phải bỏ đi rất nhiều nhưng đồng thời phải tạo ra nhiều thứ mới. Nói chung nguồn lực sẽ rất khác, tức là nguồn lực phải thay đổi đi rất nhiều. Có thể chúng ta cần 200-300 tỷ USD vào năm 2030, đây là chi phí rất lớn”, ông Thiên đặt vấn đề.
PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, trong nhiều năm qua, nguồn lực cho tăng trưởng xanh đã bắt đầu rất lớn. Tuy nhiên, xuất phát điểm thấp, nên quy mô đến giờ chưa đc bao nhiêu, nhiều kênh huy động nguồn lực nhiều khi chưa thông. “Hiện nay, nguồn đầu tư công, tín dụng xanh… đang rất dữ dội, đồng thời cấu trúc cơ cấu kinh tế đều hướng tới phát triển xanh. Chúng ta càng ngày thấy rằng những nguồn lực này sẽ mở rộng hơn nữa. Tới đây công nghệ cho tăng trưởng xanh sẽ được phát triển hơn nữa. Theo tôi, vốn là một phần nhưng cần sự tham gia từ phía chính phủ, các doanh nghiệp để phục vụ xanh. Đặc biệt là xã hội của chúng ta, làm thế nào để tất cả đều tham gia vào và hướng tới mục tiêu xanh. Có thể chúng ta chưa quen với cam kết mang tính thách thức. Không có vấn đề gì chúng ta không thực hiện được hết, chúng ta phải hành động quyết liệt cho cam kết này”, ông Thiên nói.
Quyết tâm chuyển đổi xanh
Theo ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Net Zero là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 680 triệu tấn.
Quá trình chuyển đổi đồng nghĩa với chuyển dịch cơ cấu, tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu sạch hơn, thay thế dần các nguyên liệu cho tầm nhìn 2025. Tầm nhìn năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, điều này vừa là thách thức và cơ hội. “Lĩnh vực điện gió, mặt trời có thể thu thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo điều kiện ngân hàng tài trợ vốn khi xu hướng vốn xanh rất quan trọng trong ngành tài chính. Hiện tại, thế giới rất ưa chuộng nguồn vốn xanh, tài chính xanh và đây sẽ là tiêu chí cạnh tranh giữa các ngân hàng trong thời gian tới”, ông Tăng Thế Hùng nói.
Quyết tâm chuyển đổi xanh không chỉ đến từ phía các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội…góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu đưa vấn đề xanh vào trọng điểm hoạt động thông qua việc “giảm nâu – tăng xanh”. Không ít doanh nghiệp đã có những bước đi tiên phong và ghi nhận kết quả ấn tượng.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn về cơ cấu rác thải, Tập đoàn Hoà Phát đã đưa ra giải pháp sản xuất “thép xanh”, nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong tương lai. Một điển hình khác là Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cũng tiên phong ứng dụng công nghệ tái chế để góp phần vào bài toán đưa phát thải ròng bằng “0”.
Trong lĩnh vực giao thông, Tập đoàn Vingroup chính thức đưa vào vận hành hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam – GSM. Chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả mà GSM thu được về giảm lượng carbon ra môi trường là minh chứng cho việc phát triển bền vững thông qua hệ thống giao thông xanh. Nhiều doanh nghiệp cũng dần chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đơn cử như T&T Group…
Với ngành tài chính, khi nhiều tổ chức vẫn còn e ngại trong việc cho vay năng lượng tái tạo, thì một số ngân hàng đã tiên phong tìm hiểu và là nhà tài trợ lớn cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, với sự tiên phong từ ACB, HSBC Việt Nam, SHB, HDBank, MB, BIDV, Nam A Bank… Đây chính là động lực quan trọng giúp cho công suất và tỷ lệ phát điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam có bước nhảy vọt trong vài năm gần đây.
Trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược phát triển bền vững, tối ưu chỉ số “xanh” trong các sản phẩm, dịch vụ. Chẳng hạn như Gamuda Land có chiến lược đặc biệt là biến những bãi rác, rốn nước thải thành những khu đô thị xanh bậc nhất. Một số doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực tài chính hay tiêu dùng như Manulife, Masan Group… mạnh mẽ tham gia góp phần thực hiện cam kết bằng giải pháp về quy trình sản xuất giảm thải cùng hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường.
Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, Hội nghị COP28 từ ngày 30/11-12/12 tại Dubai, UAE sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu, cam kết với tăng trưởng xanh. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.