Thực tế ở Ninh Thuận
Sự quan tâm ở đây được xuất phát từ các yếu tố, đó là giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của dân tộc; đó là những thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề trong xu thế hội nhập, công nghiệp hóa.
Ở nước ta hiện nay, theo thống kê, có khoảng hơn 1200 làng nghề truyền thống. Trong số đó, nhiều làng nghề hiện vẫn đang phát triển tốt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ngược lại, có không ít nghề truyền thống đã bị mai một, chỉ tồn tại theo dạng phục dựng. Vậy làm sao để bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống là một câu hỏi lớn với nhiều thách thức cho nhiều tỉnh, thành hiện nay.
Box: Theo khoản 1 Điều 3, Nghị định 52/2018/NĐ-CP, nghề truyền thống được hiểu là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Có dịp được “mục sở thị” Làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi mới hiểu rõ hơn giá trị từ công tác bảo tồn và phát huy nghề truyền thống trong xu thế hiện nay.
Người Chăm ở Ninh Thuận vốn được biết đến với rất nhiều nghề truyền thống. Tuy nhiên, trải qua thời gian, các nghề truyền thống cũng dần mai một, cho tới nay chỉ còn nghề làm gốm, nghề dệt và một số làng làm nghề thuốc Nam được giữ gìn và phát triển. Ba làng nghề truyền thống của người Chăm được công nhận chính thức gồm 2 làng dệt là Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và Làng gốm Bàu Trúc. Trong đó, Làng dệt Mỹ Nghiệp và Làng gốm Bàu Trúc nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm, cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa.
Làng gốm Bàu Trúc nằm ở ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm 10 km về hướng nam. Chưa nói đến những nét độc đáo, tính đặc trưng của làng gốm này, trong thời gian lưu lại, chúng tôi nhận thấy đây là làng nghề đang ‘ăn nên, làm ra” với nườm nượp khách tham quan, mua đồ lưu niệm. Hơn thế, gốm của Làng Bàu Trúc hiện đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới với doanh số sản phẩm xuất ngoại ngày một tăng.
Qua thông tin từ những cán bộ bản địa, để bảo tồn và phát triển gốm Bàu Trúc, UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện một “dự án chiến lược tiếp thị cho gốm Bàu Trúc giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020” với tổng vốn đầu tư 26,3 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, tỉnh đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ các nghệ nhân trong đào tạo thế hệ trẻ và xây dựng một khu vực triển lãm cụ thể để trưng bày và giới thiệu gốm Bàu Trúc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá rộng rãi các sản phẩm và tiếp thị tại hội chợ thương mại và các sự kiện, cũng như hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình trong làng để tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cũng giống như Ninh thuận, hiện nhiều tỉnh, thành đã và đang thành công với những làng nghề truyền thống như mây tre đan, nghề dệt, nghề gốm sứ, nghề rèn…
Chia sẻ về những thành công trên, “bí quyết” chung đó là việc xác định đúng giá trị truyền thống của làng nghề để bảo tồn và phát huy. Khi xác định được giá trị thế mạnh, các tỉnh mới tiến hành khảo sát, xây dựng cho làng nghề một lộ trình cụ thể, để bảo tồn và phát triển từ quy mô nhân lực, nguồn lực đến chiến lược quảng bá, tìm kiếm đầu ra…
Tuy nhiên, cũng không ít làng nghề, quá trình bảo tồn, phát triển đã không được thành công như mong đợi do quy mô nhỏ, tính đặc trưng, giá trị cốt lõi không còn nhiều và khó khăn về đầu ra của sản phẩm hay trở ngại trong bảo đảm tiêu chuẩn môi trường trong quá trình sản xuất.
Nghĩ về Đắk Nông…
Tại Đắk Nông, thời gian qua, tỉnh cũng đã quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần… Đến nay, tỉnh đã có quyết định công nhận đối với dệt thổ cẩm và sản xuất rượu cần của 2 tổ hợp tác trên địa bàn xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa là nghề truyền thống. Tuy nhiên, quy mô 2 nghề truyền thống này mới chỉ dừng lại ở một tổ, nhóm nên việc khai thác giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cộng đồng chưa cao.
Chưa tính đến, đây là những nghề mà không gian sống của sản phẩm đang ngày một thu hẹp trong xu thế phát triển. Đơn cử, đối với rượu cần, tính đặc trưng ở đây là nguyên liệu lên men được lấy từ rừng núi Đắk Nông. Nguyên liệu này hiện ngày một hiếm vì diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen nguyên liệu trước nay chưa được chú trọng. Bị động về nguyên liệu, quy mô sản xuất nhỏ hẹp sẽ là thách thức trong chiến lược quảng bá, giới thiệu đầu ra. Chưa kể đến, nguồn lực đầu tư cho các nghề truyền thống chủ yếu từ phía Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách. Việc xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn.
Nguồn lực đầu tư cho phát triển nghề truyền thống vẫn là vấn đề cốt lõi. Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn hiện nay của Đắk Nông trong việc phát triển nghề truyền thống vẫn là nguồn lực đầu tư cho các phân khúc quy tụ, quảng bá mở rộng không gian sống và đầu ra cho các nghề truyền thống. Có chăng, chúng ta mới chỉ tập trung nguồn lực cho công tác bảo tồn bằng việc phục dựng, dạy nghề, chưa xây dựng được một chiến lược phát triển bài bản mang tính dài hơi. Mặt khác, để nghề truyền thống sống được, ngoài việc đảm bảo thị trường đầu ra, còn phải kết hợp giữa quảng bá, giới thiệu, qua các mô hình du lịch phù hợp. Bởi, nghề truyền thống không đơn thuần là một mặt hàng, đó là giá trị phi vật thể, phải được khai thác qua nhiều hình thức chứ không đơn thuần chỉ “mua đứt, bán đoạn”.
Từ một số mô hình làng nghề, nghề truyền thống đang phát triển cho thấy, lâu nay, chúng ta lo lắng về sự bất lợi trong cạnh tranh giá thành của sản phẩm nghề truyền thống với các sản phẩm công nghiệp hiện đại. Với quy trình sản xuất truyền thống, nguyên liệu truyền thống, chắc chắn giá thành của sản phẩm nghề truyền thống sẽ cao hơn nhiều so với sản phẩm công nghiệp hiện đại. Thế nhưng, thực tế, các sản phẩm nghề truyền thống “sống được” hiện nay không phải là cạnh tranh được về mặt giá cả trên thị trường mà bởi nét đặc trưng, riêng biệt độc đáo không một sản phẩm nào cùng nhóm hàng có được. Hơn thế, sản phẩm từ nghề truyền thống không đơn thuần là giá thành (vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí gia nhập thị trường…) mà nó còn mang giá trị đặc trưng, giá trị văn hóa, cộng đồng và lịch sử… Chúng ta không thể vì cạnh tranh giá thành mà “đánh tráo” giá trị truyền thống, lịch sử như nguyên liệu, quy trình sản xuất của một sản phẩm nghề truyền thống. Vì nếu làm như thế, bản thân chúng ta đã và sẽ đánh mất giá trị cạnh tranh cốt lõi của chính sản phẩm nghề truyền thống của mình.
Có thể, chúng ta không thể “bê” các mô hình làng nghề, nghề truyền thống của các địa phương về Đắk Nông áp dụng bởi mỗi nghề đều có những yếu tố đặc trưng, không gian sống riêng nên những trở ngại cũng như điều kiện phát triển khác nhau. Tuy nhiên, chí ít, từ những làng nghề, nghề truyền thống đang được bảo tồn, phát huy tốt đều có một nét chung, đó là sự quy tụ tốt về tính cố kết cộng đồng bền chặt, công tác truyền nghề, đầu tư quảng bá được quan tâm. Hơn thế, quá trình phát triển, các yếu tố như xây dựng, bảo vệ thương hiệu, bảo đảm các yếu tố nguyên liệu đầu vào… cần được quan tâm bằng cả quyết tâm chiến lược dài hơi.