Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các mô hình chuyên môn cơ sở như đội văn nghệ thông tin, đài truyền thanh, câu lạc bộ chuyên đề, tủ sách pháp luật… đã có tác động tích cực, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, sáng tạo văn hóa của nhân dân, trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Văn hóa các dân tộc tỉnh Nghệ An đã và đang hội nhập vào dòng chảy văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài, mặt khác, luôn có ý thức trong bảo tồn và phát huy truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan, vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
P.V: Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc quảng bá, hội nhập với tinh hoa văn hóa nhân loại. Và từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/4 hằng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Xin bà cho biết rõ hơn về ý nghĩa của điều này cũng như các hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” hằng năm của tỉnh Nghệ An?
Bà Quách Thị Cường: Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg về tổ chức “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4). Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam, đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” là sự kiện thường niên có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng, miền.