Một nguồn thạo tin ngày 1/12 tiết lộ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đang gây sức ép buộc Liberia, Quần đảo Marshall và Panama tăng cường giám sát các tàu treo cờ của 3 nước này để đảm bảo chúng không vận chuyển dầu mỏ của Nga được bán vượt quá mức giá trần.
Nga đang phải sử dụng “hạm đội ma” gồm các tàu chở dầu cũ kỹ để vận chuyển dầu và né tránh những quy định hạn chế. (Nguồn: Reuters) |
Động thái này đánh dấu sự leo thang trong nỗ lực của phương Tây nhằm thực thi mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển, được áp đặt để trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Mức giá trần nhằm mục đích giảm doanh thu xuất khẩu của Nga trong khi vẫn duy trì dòng chảy dầu mỏ trên toàn thế giới. Cơ chế này cấm các công ty phương Tây cung cấp các dịch vụ hàng hải như vận tải, bảo hiểm và tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho Nga bán dầu vượt mức giá trần.
Nga đang phải sử dụng “hạm đội ma” gồm các tàu chở dầu cũ kỹ để vận chuyển dầu và né tránh những quy định hạn chế. Đội tàu này đang vận chuyển dầu đến các nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, xa hơn nhiều so với lượng khách hàng truyền thống của Moscow và làm tăng thêm chi phí vận chuyển.
Theo Lloyd’s List Intelligence – công ty chuyên theo dõi hoạt động vận tải biển – và giới phân tích thị trường dầu mỏ, Panama, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Liberia đã cho phép một số con tàu kể trên treo cờ của 3 nước này.
Hoạt động đó, được gọi là “nhảy cờ”, tạo điều kiện cho một số công ty bình phong được thành lập để buôn bán dầu của Nga được phép vận chuyển bằng những con tàu này và né tránh các biện pháp trừng phạt. Gần 40% trong số khoảng 535 tàu chở dầu của “hạm đội ma” đã đăng ký quyền sở hữu thông qua các công ty được thành lập ở Quần đảo Marshall.
Nguồn tin xác nhận bà Lindsey Whyte – người đứng đầu bộ phận tài chính quốc tế tại Bộ Tài chính Anh, ông John Berrigan – người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của Ủy ban châu Âu và Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách công tác chống khủng bố và tình báo tài chính Brian Nelson đã cùng ký vào những bức thư cảnh báo 3 nước nêu trên về tình trạng gia tăng lách luật giới hạn trần giá của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với dầu mỏ của Nga, cũng mức độ rủi ro cao gắn liền với những con tàu không mang bảo hiểm và các dịch vụ khác của phương Tây.