Đeo tai nghe bẩn trong thời gian dài làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, nổi mụn và mất thính giác.
Nhiều người đeo tai nghe mỗi ngày nhưng ít khi vệ sinh chúng. Theo thống kê từ Senior Living, tai nghe chứa 119.186 CFU (các đơn vị hình thành khuẩn lạc). Con số này gấp 2.700 lần vi khuẩn trên một chiếc thớt và gấp 330 lần so với mặt bàn bếp.
Vào năm 2008, Đại học Manipal (Ấn Độ) thực hiện nghiên cứu về sự phát triển của vi khuẩn khi sử dụng tai nghe, trên 50 nam giới, trong độ tuổi 18-25 và được chia làm hai nhóm. Kết quả cho thấy đeo tai nghe thường xuyên làm tăng số lượng vi khuẩn trong tai, phổ biến nhất là chủng tụ cầu khuẩn.
Theo ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, một số người cũng có thói quen để tai nghe ở những nơi như túi xách, túi quần hay mặt bàn làm việc. Đây là môi trường tồn tại nhiều vi khuẩn nên chúng nhanh chóng bám vào tai nghe, ảnh hưởng đến sức khỏe tai và chất lượng thính giác. Dưới đây là những rủi ro khi sử dụng tai nghe bẩn.
Ngăn cản ráy tai đào thải: Tai có khả năng tự làm sạch và đào thải. Đeo tai nghe liên tục mà không vệ sinh góp phần tăng chất bẩn, đẩy ráy tai vào sâu hơn, dẫn đến tắc nghẽn.
Mụn: Tai nghe lâu ngày không vệ sinh dễ dẫn đến tích tụ lượng lớn mồ hôi và hơi ẩm. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn lỗ chân lông và sản sinh mụn quanh ổ tai.
Nhiễm trùng tai: Đeo tai nghe loại nhét tai bẩn tạo cơ hội cho vụn ráy tai và vi khuẩn qua lại, tăng nguy cơ nhiễm trùng tai do vi khuẩn hoặc nấm.
Ngoài ra, tai nghe nhét tai còn dễ tạo vết rách nhỏ trên vùng da mỏng manh của ống tai, tăng độ ẩm và nhiệt độ trong ống tai. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ viêm tai giữa, viêm tai ngoài.
Mất thính giác: Thiết bị này lâu ngày không được vệ sinh, lượng ráy tai và bụi bẩn có thể chặn loa, khiến người nghe phải tăng âm lượng lên cao. Tình trạng này lâu dài làm tăng các tần số khác lên mức cao hơn, gây tổn thương tai và dẫn đến mất thính lực.
Dị ứng: Tai nghe sử dụng thời gian dài cũng tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm sinh sôi. Nếu sử dụng chúng trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiễm vi khuẩn hoặc nấm và gây nên phản ứng dị ứng với triệu chứng như ngứa, đỏ, sưng.
Bác sĩ Hằng khuyến nghị nên làm sạch tai nghe mỗi ngày hoặc trước khi sử dụng bằng cách chấm một ít cồn lên khăn giấy hay vải mềm và lau nhẹ nhàng. Tránh sử dụng khăn ướt hoặc chất tẩy rửa hóa học.
Khi có quá nhiều ráy tai và bụi bẩn tích tụ ở tai nghe, không nên sử dụng vật sắc nhọn như nhíp hoặc dũa móng tay để sạch bụi bẩn; thay vào đó có thể sử dụng bàn chải mềm, tăm bông. Hạn chế dùng lực mạnh vì dễ làm hỏng màng lọc âm, giảm chất lượng âm thanh.
Nếu đeo tai nghe khi chơi thể thao, mỗi người nên vệ sinh sau khi dùng. Điều này giúp ngăn mồ hôi, bụi bẩn bám dính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Để bảo vệ thính lực, không nên mở âm lượng tai nghe quá to, hạn chế dùng cả ngày. Tuyệt đối không mang tai nghe lúc ngủ vì dễ ngủ quên làm tai bị bịt kín kéo dài.
Huyền My
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |