Trao đổi với Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Trường – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có những chia sẻ tâm huyết về những nỗ lực của Lào Cai, trong công cuộc đưa ngành công nghiệp xanh của tỉnh bứt phá, làm nên điều khác biệt.
*Sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, du lịch Lào Cai đến thời điểm này đã có sự phục hồi như thế nào, thưa ông?
–Ông Trịnh Xuân Trường: Phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói được tỉnh Lào Cai xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Ở giai đoạn 2016 – 2019, du lịch Lào Cai có những bước phát triển nhanh, mạnh, trở thành “đầu tàu” của khu vực Tây Bắc nói riêng và trung du, miền núi phía Bắc nói chung. Tuy nhiên, 2 năm 2020 và 2021 dịch Covid-19 hoành hành đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch, tỉnh đã có giải pháp kịp thời, linh hoạt, bắt kịp sự thay đổi của các xu hướng du lịch, đặc biệt là xu hướng du lịch an toàn. Nhờ vậy, Lào Cai vẫn là địa phương đón được lượng khách nội địa khá đông trong bối cảnh hoạt động du lịch nhiều địa phương “chạm đáy”.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, ngành du lịch Lào Cai đã đón dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ ngay trong những tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn, Lào Cai đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên. Kết thúc năm 2022, tỉnh đón trên 4,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 96.919 lượt, còn lại là khách nội địa.
Lượng khách du lịch tăng nhanh trở lại, chúng tôi tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, định hướng phát triển du lịch cho giai đoạn tiếp theo. Bám sát mục tiêu phát triển du lịch trở thành lĩnh vực đột phá, mang tính chiến lược của giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh đã thành lập Sở Du lịch để gia tăng sức mạnh cho ngành kinh tế này, cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.
10 tháng năm 2023, Lào Cai đón 6,5 triệu lượt khách, bằng 108% so với kế hoạch năm, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong thời gian này, Sa Pa đã vào top 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới do tạp chí của Mỹ bình chọn. Lào Cai cũng luôn là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng du lịch trong khu vực miền núi phía Bắc và khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
*Theo ông, những yếu tố nào đã tạo nên bước phát triển phục hồi ấn tượng của du lịch Lào Cai trong thời gian qua?
-Đầu tiên là nhờ tinh thần quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và Hiệp hội du lịch tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, trong việc xây dựng sản phẩm mới, tạo dựng môi trường du lịch hấp dẫn, văn minh.
Nghị quyết 11 ngày 27.8.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã giúp ngành du lịch được phục hồi, xây dựng phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn với đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc, sản phẩm du lịch được đầu tư xây dựng ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Các dự án phục vụ du lịch cũng được đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư tại các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm, chú trọng với việc đề ra các mục tiêu, giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá.
Cùng với đó, phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh phục hồi và phát triển ngành du lịch.
Một trong những điểm nổi bật năm qua là các hoạt động sự kiện tiêu biểu được tổ chức hiệu quả, đặc biệt là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa như: Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2023; các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm marathon, đua xe đạp, leo núi, dù lượn, kayak, camping, offroad challenger tại các địa phương (Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát); lễ hội đền Bảo Hà (Bảo Yên); lễ hội mùa hè “Sa Pa – Xứ sở của tình yêu”; sản phẩm du lịch: tái hiện chợ tình Sa Pa, Sa Pa – Thổ cẩm và hoa… đã hấp dẫn, thu hút du khách đến với Lào Cai.
Mới đây nhất, dịp kỷ niệm 10 năm xây dựng tuyến cáp treo Fansipan, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã đưa vào hoạt động điểm du lịch Bản Mây. Chúng tôi cho rằng, đây là sản phẩm du lịch hết sức độc đáo vì du khách có thể khám phá được tất cả nét văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng nhất của Tây Bắc trong cùng một không gian. Đây cũng là nơi người đồng bào dân tộc cũng trực tiếp quản lý, vận hành và tham gia vào các hoạt động của Bản Mây. Tôi hy vọng nơi này sẽ là điểm nhấn trong hành trình của du khách khi khám phá đỉnh Fansipan.
*Ông vừa nhắc tới cáp treo Fansipan tròn 10 năm xây dựng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của tuyến cáp treo và nhà đầu tư Sun Group, trong sự phát triển của du lịch Sa Pa và Lào Cai?
-Năm 2012 đánh dấu thời điểm lần đầu tiên Sun Group đến khảo sát và làm việc tại Sa Pa. Từ năm 2013, chính quyền Lào Cai, Sa Pa đã đồng hành hợp tác cùng doanh nghiệp để bắt đầu công việc. Đến năm 2016, Sun Group đã khánh thành tổ hợp cáp treo 3 dây với nhiều kỷ lục thế giới đầu tiên.
Giai đoạn 2000 – 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch của Lào cai đạt 18,27%/năm (khách quốc tế: 9,6%/năm, khách nội địa 24,3%/năm); trong 10 năm trở lại đây 2009 – 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22,0%/năm (khách quốc tế: 9,4%/năm; khách nội địa: 27,7%/năm). Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình về khách du lịch đến vùng núi Tây Bắc.
Nhìn vào kết quả đó, có thể thấy du lịch Sa Pa, Lào Cai đã có một bước phát triển bứt phá đầy ấn tượng. Với lòng quyết tâm, sự định hướng đúng đắn cùng với sự đầu tư có tâm, có tầm, của các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là Sun Group cùng với lãnh đạo chính quyền Sa Pa và Lào Cai đã đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của Sa Pa.
10 năm qua, Sun Group đã lần lượt kiến tạo một hệ sinh thái các công trình đẳng cấp tại Fansipan, Sa Pa. Hệ sinh thái Sun Group tại Sa Pa đã trở thành động lực chính thúc đẩy du lịch Sa Pa bứt tốc, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế du lịch của tỉnh.
Ngay trong giai đoạn khó khăn, thử thách sau đại dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi mạnh mẽ nhất cả nước. Sáu tháng đầu năm 2023, Lào Cai nằm trong top 10 địa phương có doanh thu du lịch cả nước. Thành quả này không thể phủ nhận là nhờ sự quyết tâm nỗ lực, đồng hành của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó Sun Group luôn là đơn vị tiên phong, dẫn dắt.
Từ những giá trị mà Sun Group mang lại, tôi cho rằng, những tiêu chí, định hướng lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo mang đến cho Sa Pa, Lào Cai có những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, xứng tầm và đáp ứng được yêu cầu của du khách cũng như phù hợp với địa phương đã minh chứng cho những quyết sách đúng đắn của chính quyền tỉnh trong thời gian qua.
*Lào Cai luôn có khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển; Doanh nhân đồng lòng, chính quyền sẽ đồng hành”. Điều này được thể hiện như thế nào trong sự bứt phá của du lịch Sa Pa và Lào Cai thời gian qua, thông qua khối đoàn kết chính quyền – doanh nghiệp – người dân tại các địa phương?
-Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển; Doanh nhân đồng lòng, chính quyền sẽ đồng hành” chính là chủ trương nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh; phát huy cao độ nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực cho đầu tư và phát triển.
Khẩu hiệu là phương châm, là kim chỉ nam cho các cấp chính quyền tỉnh tổ chức thực hiện, để có thể thúc đẩy các ngành kinh tế tại địa phương phát triển, chứ không riêng gì du lịch. Đơn cử, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 đón 6 triệu lượt khách, song trong 10 tháng năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đã đạt 6,5 triệu lượt và kết thúc năm 2023 sẽ là trên 7 triệu lượt khách. Kết quả đó cho thấy sức mạnh đoàn kết, chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là Sun Group.
Với kinh nghiệm, tầm nhìn một thập kỷ gắn bó với mảnh đất Sa Pa, sự đóng góp của Sun Group, cho địa phương không chỉ dừng lại ở việc kiến tạo sản phẩm chất lượng, đẳng cấp thúc đẩy du lịch, mà còn ở khía cạnh: Chia sẻ, kết nối và tính bền vững.
“Chia sẻ” ở đây là: Nhờ có cáp treo và khu du lịch Sun World Fansipan Legend, Sa Pa đã đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Từ đó thúc đẩy các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển hành khách có sự tăng đột biến. Trước kia, người già và trẻ em không lên được, thì bây giờ tất cả mọi người đều có cơ hội để chinh phục đỉnh Fansipan và chiêm ngưỡng vẻ kỳ vĩ của thiên nhiên, của đỉnh Fansipan.
“Kết nối” – Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Sun Group trong Hiệp hội du lịch Lào Cai, Sa Pa. Trong thời gian qua, Sun Group luôn tìm tòi, kết nối với các đại sứ quán, các đơn vị lữ hành quốc tế, để làm sao Sa Pa không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
Cuối cùng, tính “Bền vững” là Sun Group không chỉ làm đẹp các vùng đất mà còn phát huy, khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng. Mới đây, Sun Group đã đưa vào sử dụng khu du lịch Bản Mây gắn với các dân tộc Tây Bắc, của Lào Cai, của Sa Pa. Và đây cũng chính là sản phẩm để chúng ta “biến di sản thành tài sản”, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này không chỉ góp phần phát huy di sản văn hóa, mà còn chia sẻ lợi ích hài hòa cho cộng đồng và người dân. Người đồng bào dân tộc cũng trực tiếp quản lý, vận hành và tham gia vào các hoạt động của khu du lịch Bản Mây này.
Việc tôn trọng, phát huy giá trị văn hóa bản địa, cộng với việc ưu tiên sử dụng người lao động địa phương đã giúp cho sự phát triển của Sun Group luôn song hành, gắn liền với sự phát triển của địa phương, của người dân cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, chứ không chỉ của riêng doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và du lịch Sa Pa, Lào Cai nói chung.
*Từ những thành công bước đầu này, kế hoạch và mục tiêu của du lịch Lào Cai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
-Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch theo hướng có trách nhiệm, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng môi trường du lịch văn minh nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện du lịch trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như Festival “Tinh hoa Tây Bắc”, Cao nguyên trắng Bắc Hà, lễ hội tình yêu và hoa hồng “Love and rose festival”; lễ hội tuyết Sa Pa. Tái hiện chợ tình Sa Pa; sản phẩm du lịch Sa Pa – thổ cẩm và hoa… Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, các sản phẩm dịch vụ về đêm để thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Năm 2024, Lào Cai sẽ ra mắt sản phẩm du lịch văn hóa mới đặc sắc đó là “Lễ hội sông Hồng”.
Đồng thời, phối hợp, khai thác có hiệu quả sản phẩm tour du lịch kiểu mẫu “hai quốc gia, sáu điểm đến Côn Minh – Châu Hồng Hà (Trung Quốc) – Sa Pa (Lào Cai) – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam); Hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản xuất các sản phẩm mang đặc trưng để bán cho khách du lịch.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong việc đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch; phấn đấu để Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của khu vực miền núi phía Bắc; là một trong 10 điểm đến của Việt Nam được du khách yêu thích nhất.