SGGPO
Nga thông báo sẽ nâng mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện đến 500.000 thùng/ngày và kéo dài quyết định đến hết quý I-2024. Saudi Arabia cũng tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức 1 triệu thùng/ngày cho đến hết quý đầu tiên của năm 2024.
Nhà máy lọc dầu Ras Tanura ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters |
Các quyết định trên được đưa ra sau hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) để thảo luận việc duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Các nước đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu gần 700.000 thùng/ngày, chưa đến 1% nguồn cung toàn cầu, trong nỗ lực đẩy giá lên. Với quyết định của Nga và Saudi Arabia, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện với khoảng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm tới. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm tự nguyện của Nga sẽ bao gồm dầu thô và các sản phẩm.
Saudi Arabia, Nga, UAE, Iraq, Kuwait, Kazakhstan và Algeria nằm trong số các nhà sản xuất cho biết việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần sau quý đầu tiên năm 2024 nếu điều kiện thị trường cho phép.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh dự báo thị trường phải đối mặt với tình trạng dư thừa tiềm năng và chiến lược cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày của Saudi Arabia sẽ kết thúc vào tháng tới. Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu vào năm 2024 sẽ chậm lại do giai đoạn cuối của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã qua đi và khi việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, mở rộng đội xe điện…
Phản ứng của thị trường sau tuyên bố của OPEC+ đã dịu đi, với giá dầu thô Brent tương lai kết thúc phiên giao dịch ngày 30-11 ở mức 82,85 USD/thùng, giảm nhẹ so với mức đóng cửa trước đó là 83,10 USD/thùng.
Theo giới phân tích, mức giá này rất có thể phản ánh quan điểm thị trường rằng hành động của OPEC+ có lẽ không đủ để thắt chặt cán cân cung cầu toàn cầu trong quý đầu tiên và đủ để châm ngòi cho một đợt phục hồi.