Kỳ đánh giá đầu tiên
Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) được thông qua tại Hội nghị COP 21 năm 2015, tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Mục tiêu nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ (so với thời kỳ tiền công nghiệp); đồng thời khuyến khích các quốc gia làm nhiều hơn nữa để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ chỉ ở ngưỡng 1,5 độ C.
Thỏa thuận Paris quy định các Bên tham gia Công ước phải định kỳ đánh giá nỗ lực toàn cầu 5 năm một lần và lần đầu tiên vào năm 2023, nhằm cung cấp thông tin và thúc đẩy việc thực hiện Thoả thuận của mỗi Bên và của toàn cầu. Quy định nhằm đảm bảo các quốc gia sẽ tăng cường hành động vì các mục tiêu của mình và đi đúng hướng đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris.
Bản GST đầu tiên sẽ được công bố tại COP28, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 12/12/2023 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Báo cáo sẽ đưa ra đánh giá về tiến độ của thế giới trong nỗ lực cắt giảm phát thải nhà kính, xây dựng khả năng phục hồi, đảm bảo các khoản tài chính khí hậu và sự hỗ trợ để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Bản GST 2023 được tổng hợp dựa trên hơn 1.600 tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau và từ các cuộc tham vấn với các nhà khoa học, chính phủ, các thành phố, doanh nghiệp, nông dân, người bản địa, xã hội dân sự và những người khác.
Theo Báo cáo Tổng hợp hồi tháng 9/2023, GST sẽ giúp thế giới xác định chặng đường hiện thực hoá các mục tiêu của Thỏa thuận Paris còn bao xa. Qua đó, xác định các lĩnh vực trọng tâm cần có hành động quyết liệt hơn và đề ra lộ trình cho sự chuyển đổi hệ thống cần thiết để cắt giảm khí thải, xây dựng khả năng phục hồi và bảo vệ tương lai.
Kết thúc COP28, các quốc gia cần đạt được sự đồng thuận về kết luận của GST, dựa vào đánh giá này để thúc đẩy hành động vì mục tiêu toàn cầu là hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Nếu được thực hiện một cách hiệu quả, GST cũng có thể cung cấp cơ sở hướng dẫn các quyết định đầu tư và chính sách khí hậu của các quốc gia và cơ quan phi nhà nước. Đánh giá đồng thời giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng giảm phát thải khí nhà kính.
3 lĩnh vực đánh giá
Tại COP24 ở Ba Lan năm 2018, các quốc gia đã thống nhất, GST sẽ đánh giá tiến trình khí hậu trong ba lĩnh vực chính, bao gồm: Giảm thiểu; thích ứng và các công cụ thực hiện.
Về giảm thiểu, GST đánh giá các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu Thỏa thuận Paris, đồng thời xác định các cơ hội giúp cắt giảm phát thải. Về thích ứng, GSST đo lường tiến bộ về khả năng của các quốc gia trong việc phục hồi và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước các tác động của khí hậu.
Về các công cụ thực hiện, bao gồm tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực, GST đánh giá tiến độ điều chỉnh các dòng tài chính với các mục tiêu giảm phát thải và phát triển khả năng chống chịu trước khủng khoảng khí hậu, đồng thời, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó.
Ngoài ra, bản đánh giá toàn cầu cũng hướng tới giải quyết tổn thất và thiệt hại, giúp đánh giá các hành động và sự hỗ trợ cần thiết để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. GST cũng xem xét hậu quả kinh tế và xã hội ngoài ý muốn phát sinh từ hành động và việc thực hiện cam kết theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Các vấn đề trọng tâm
Báo cáo Tổng hợp được phát hành vào tháng 9/2023, đã tóm tắt những ý chính trong bản GST đầu tiên. Về tiến độ của thế giới trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu kể từ Thỏa thuận Paris, nhiệt độ toàn cầu hiện được dự đoán sẽ tăng 2,4-2,6 độ C vào cuối thế kỷ, thấp hơn mức dự đoán 3,7 – 4,8 độ C hồi năm 2010. Kết quả này cho thấy thế giới cần tiếp tục thực thi các mục tiêu tham vọng và cấp bách lớn hơn trên mọi mặt trận để chống lại khủng hoảng khí hậu.
Báo cáo Tổng hợp đồng thời nhấn mạnh “khoảng cách phát thải”, lưu ý rằng các lộ trình hành động hiện này chưa phù hợp cam kết về khí hậu. Báo cáo đề ra một lộ trình mới phía trước, trong đó lưu ý quá trình chuyển đổi năng lượng một cách có hệ thống sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải bền vững hơn. Trong đó, mục tiêu cấp bách nhất hiện nay là loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng trong phần lớn ngành vận tải và công nghiệp. Đồng thời, giảm phát thải các khí nhà kính khác như khí mê-tan; thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, chấm dứt nạn phá rừng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Quan trọng hơn, bản đánh giá toàn cầu coi con người vào trung tâm của những quá trình chuyển đổi này, nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng phục hồi trước tác động từ BĐKH, và tính công bằng bao trùm khi chuyển đổi năng lượng. Báo cáo thúc đẩy tăng cường các công cụ hỗ trợ thích ứng và giải quyết thiệt hại, đặc biệt đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương. Báo cáo chỉ ra một thực tế rằng, những kế hoạch, cam kết và sự hỗ trợ hiện này chưa tốt và đang được phân bổ không đồng đều.
Để giải quyết những vấn đề này, điều quan trọng là cần định hướng lại lộ trình hỗ trợ hàng tỷ USD tài chính toàn cầu và huy động các nguồn lực để hướng tới một tương lai công bằng, không carbon.
Cách tiếp cận chuyển đổi, công bằng và phù hợp với bối cảnh ở từng địa phương sẽ là chìa khóa cho các mục tiêu tham vọng và mạnh mẽ này, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nỗ lực xóa đói giảm nghèo.