Tại kỳ Hội nghị này, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu.
Kỳ vọng những cam kết, hành động mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu
Nhiệt độ ngày càng tăng cao vượt qua nhiều kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới ngày càng khiến chống biến đổi khí hậu trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết và nóng bỏng với hết thảy các quốc gia. Đó cũng lý do khiến Hội nghị COP28, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12 tại Expo City, Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), được xem là trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023.
Dự kiến hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác, sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính: Tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo khả thi trong thực hiện.
Hội nghị COP28 cũng sẽ tập trung thảo luận về tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, coi việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ theo Thỏa thuận Paris.
Với chủ đề “Gắn kết – Hành động – Hiệu quả”, hội nghị COP28 lần này tập trung vào 4 trụ cột gồm: Theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi năng lượng; xử lý vấn đề tài chính khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân; tăng cường bao quát mọi mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP26 vào năm 2021 diễn ra ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong 2 năm qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này. Trong đó, có thể kể đến việc thông qua Quy hoạch Điện 8 với việc gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số đối tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, trên hết, cái đích của COP 28 đang được rất nhiều các bên kỳ vọng, đó là các quốc gia phải đưa ra cho được những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn nữa trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris. Trong đó, quan trọng bậc nhất có lẽ vẫn là vấn đề tài chính khí hậu. Các bên tham gia sẽ phải tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm (mục tiêu lẽ ra đã phải đạt được từ năm 2020).
Trong chuỗi hoạt động của COP28, sự kiện nổi bật nhất là Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới diễn ra ngày 1 và 2/12/2023 với sự tham dự của hơn 100 Nguyên thủ, Thủ tướng Chính phủ các nước và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Năm 2023 cũng là thời điểm kết thúc vòng đầu tiên Đánh giá nỗ lực toàn cầu về việc thực hiện Hiệp định Paris giai đoạn 2015 – 2023. Do đó, hội nghị thượng đỉnh COP28 lần này là dịp quan trọng để Lãnh đạo cấp cao các nước rà soát những tiến bộ đạt được và xác định các lĩnh vực ưu tiên lớn cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới với những hành động cụ thể hơn.
Việt Nam ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính
Chiều 28/11, nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12.
Tham dự Hội nghị COP28 lần này, trong trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến công tác của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam kỳ vọng Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên bốn lĩnh vực quan tâm hàng đầu.
Một là, các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng.
Hai là, các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này (bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030).
Ba là, quan tâm thích đáng tới hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra được Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi.
Bốn là, sớm đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Thông qua Hội nghị COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.
Thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam trong khả năng của mình sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Nhân dịp dự COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn có chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và các hoạt động song phương tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm cũng sẽ góp phần triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thể hiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hòa hiếu, chân thành, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ là chuyến thăm thứ hai đến khu vực Trung Đông chỉ trong vòng 2 tháng (trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC và tiến hành các hoạt động song phương tại Saudi Arabia tháng 10/2023), qua đó lan tỏa thông điệp về cam kết mạnh mẽ và thể hiện sự quan tâm rất rõ ràng của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với khu vực Trung Đông giàu tiềm năng. |
Nguyễn Hà