Thủ tướng Campuchia ra tuyên bố về đập thủy điện, cựu Thủ tướng Thái Lan có vị trí mới, hãng thông tấn quốc gia Mexico đóng cửa…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog ngày 30/11 tại Tel Aviv. (Nguồn: GPO) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga tuyên bố không có kế hoạch đình chiến với Ukraine năm tới: Ngày 29/11, trả lời phỏng vấn Izvestia (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh nước này không có ý định đàm phán với Ukraine hay Mỹ,
Theo ông, họ đang đề xuất “công thức hòa bình” của (Tổng thống Volodymyr) Zelensky, bao gồm việc rút quân về các đường biên giới năm 1991, trả lại tất cả các vùng lãnh thổ và thanh toán các khoản bồi thường. Quan chức này nêu rõ: “Tôi không những không mong đợi lệnh ngừng bắn mà còn kỳ vọng rằng mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt chắc chắn sẽ đạt được”.
Theo Thứ trưởng Ryabkov, xứ bạch dương có tầm nhìn riêng về tình hình và sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt. Moscow sẵn sàng xem xét các đề xuất phù hợp và xây dựng của phương Tây, nếu có. Song ông nhận định phương Tây hiện chưa sẵn sàng cho những đề xuất như vậy. (TASS)
* Tổng thống Ukraine nêu điều kiện để ngừng bắn với Nga: Ngày 29/11, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông châu Á, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Sẽ chỉ có sự hiểu biết về hòa bình và an ninh trong tương lai nếu quân Nga không có mặt trên lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi đấu tranh cho những gì là của mình vì chúng tôi không tin Nga muốn hòa bình”. Theo ông, lệnh ngừng bắn với quân đội Nga vẫn ở Ukraine đồng nghĩa với một cuộc xung đột “đóng băng”, giúp Moscow có thời gian chuẩn bị để tiếp tục hoạt động quân sự.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết ông rất mong chờ một hội nghị được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 2 về việc tái thiết đất nước mình, đặt hy vọng vào hợp tác song phương về số hóa, năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng. (Kyodo)
* Ukraine: Nga phóng tên lửa vào các khu dân cư: Ngày 30/11, viết trên Telegram, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết Nga đã phóng 6 quả tên lửa vào 3 khu định cư trong khu vực, hầu hết đều do Các lực lượng vũ trang Nga chiếm đóng. Ông Klymenko nêu rõ: “Pokrovsk, Novohrodivka và Myrnohrad bị trúng tên lửa. Cuộc tấn công đã khiến 10 người bị thương, trong đó có 4 trẻ em. Năm người khác đang được tìm kiếm dưới đống đổ nát”. Trước đó, quân đội Ukraine cùng ngày cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 14/20 máy bay không người lái (UAV) trong cuộc tấn công qua đêm của Nga. (Reuters)
* Đức lo ngại về tình trạng giảm quan tâm đến cuộc xung đột ở Ukraine: Ngày 29/11, viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nêu rõ: “Hiện nay, sự quan tâm đến Ukraine đang dần biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng – đây là thảm họa”. Bà nhấn mạnh Kiev “đã lựa chọn vì hòa bình, tự do và an ninh”. Theo Ngoại trưởng Đức, tương lai của Ukraine nằm ở Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính trị gia này kêu gọi liên minh hỗ trợ Kiev trong khuôn khổ hội đồng Ukraine-NATO.
Trước đó, bà cho biết Đức sẽ phân bổ hơn 11 triệu euro để giúp Ukraine hội nhập NATO. Ngoại trưởng Baerbock cho biết: “Các chuẩn mực của NATO, kế hoạch và cải cách lực lượng quân sự là các điểm trọng tâm của hành trình này”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Sự hỗ trợ Ukraine có ‘tầm quan trọng sống còn’ đối với châu Âu |
* Israel-Hamas tuyên bố lệnh ngừng bắn được gia hạn: Ngày 30/11, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo lệnh ngừng bắn với phong trào Hamas sẽ được tiếp tục thêm một ngày, “dựa trên nỗ lực của các nhà hòa giải trong việc tiếp tục quá trình giải phóng con tin và tuân theo các điều khoản thỏa thuận”.
Hamas cũng cho biết sẽ gia hạn lệnh ngừng bắn với Israel ở Gaza thêm 1 ngày.
Cùng ngày, chính phủ Israel thông báo đã nhận được một danh sách mới về các con tin phụ nữ và trẻ em ở dải Gaza sẽ được Hamas thả cùng ngày để đổi lấy việc gia hạn lệnh ngừng bắn. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: “Cách đây không lâu, Israel đã nhận được danh sách phụ nữ và trẻ em theo các điều khoản của thỏa thuận, và do đó, lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục”. (AFP/Reuters)
* Giao tranh tiếp diễn tại biên giới Israel-Lebanon: Trưa 30/11, còi báo động một lần nữa lại vang lên tại khu vực miền Bắc Israel sau vài ngày phong trào Hồi giáo Hezbollah tuyên bố tự nguyện ngừng bắn tạm thời theo thỏa thuận trao đổi con tin và đình chiến ngắn hạn giữa Israel và phong trào Hamas.
Theo người phát ngôn IDF, một UAV từ phía miền Nam Lebanonđã được phóng về phía lãnh thổ quốc gia Do Thái. IDF tuyên bố đã đánh chặn máy bay này. Theo Lực lượng Lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL), IDF đã đáp trả bằng các cuộc tấn công xuyên biên giới, vào các mục tiêu ở miền Nam Beirut. (Reuters)
* Mỹ kêu gọi tiếp tục gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel-Hamas: Ngày 30/11, hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Issac Herzog tại Tel Aviv (Israel), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Tuần qua, chúng ta đã chứng kiến tiến triển tích cực khi các con tin được trở về nhà đoàn tụ với gia đình… Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời cũng cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường vô tội ở dải Gaza, vốn rất cần sự hỗ trợ. Thỏa thuận ngừng bắn đang mang lại kết quả. Do đó, chúng tôi hy vọng nó sẽ được gia hạn”.
Ông cũng khẳng định Washington đã và đang tập trung vào việc hỗ trợ Israel giải thoát cho số con tin đang bị các phe vũ trang của Palestine bắt giữ tại dải Gaza. Dự kiến, sau chuyến thăm Israel, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ tới thăm vùng Bờ Tây và gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.
Trước đó một ngày, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed.
Theo Nhà Trắng, hai bên đã hoan nghênh thỏa thuận trao đổi con tin và lệnh ngừng bắn nhân đạo trong xung đột ở Gaza. Ông Biden cũng yêu cầu Phó Tổng thống Kamala Harris tham dự Hội nghị Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) sắp tới ở Dubai. (AFP/Times of Israel)
* Tây Ban Nha: Israel cần tôn trọng luật nhân đạo quốc tế: Ngày 30/11, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình nhà nước TVE (Tây Ban Nha), Thủ tướng Pedro Sanchez nói: “Với Đoạn phim chúng tôi đang xem và số lượng trẻ em tử vong ngày càng tăng, tôi thực sự nghi ngờ về việc Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”. Thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh: “Việc gây thương vong cho dân thường vô tội, bao gồm hàng nghìn bé trai và bé gái, là không thể chấp nhận được”. (AFP)
* Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo hậu quả ở Gaza: Ngày 29/11, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo: “(Việc tái diễn) các đợt đụng độ rất có thể sẽ biến thành một thảm họa nuốt chửng cả khu vực này”. (AFP)
* LHQ: Dải Gaza đang trải qua thảm họa nhân đạo kinh hoàng: Ngày 29/11, Phát biểu tại một hội nghị của HĐBA LHQ do Trung Quốc chủ trì, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới “không được rời mắt” khỏi điểm nóng ở dải Gaza. Ông nêu rõ: “Các cuộc đàm phán căng thẳng đang diễn ra để kéo dài lệnh ngừng bắn, điều chúng tôi hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chúng ta cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo thực sự”.
Trong một diễn biến khác, LHQ và các bên liên quan đang nỗ lực thuyết phục Israel mở lại cửa khẩu đường bộ Kerem Shalom nhằm tăng thêm hàng viện trợ vào dải Gaza, trong bối cảnh cửa khẩu Rafah phía Ai Cập đang quá tải do công tác kiểm tra an ninh phức tạp. Tuy nhiên, đến nay, phía Israel vẫn chưa có động thái nhượng bộ, khiến tiến độ cứu trợ cho dân thường ở dải Gaza bị chậm trễ.
Cùng ngày, Qatar đã điều 3 máy bay chở theo 108 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến sân bay Al-Arish của Ai Cập nhằm chuyển tới cứu trợ cho dải Gaza. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Israel – Hamas: ‘Cuộc chiến’ dưới lòng đất ở Gaza |
Đông Nam Á
* Thủ tướng Campuchia tuyên bố không xây đập trên sông Mekong: Ngày 30/11, phát biểu tại lễ khởi công đập thủy điện ở tỉnh ven biển Koh Kong, ông Hun Manet nói: “Chính phủ sẽ không xây dựng bất kỳ con đập nào dọc sông Mekong vì nó gây ra nhiều ảnh hưởng”. Theo ông, xây đập trên dòng chính sông Mekong sẽ có “tác động rất lớn” đến môi trường và sinh thái của dòng sông cũng như hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và nguồn cá quan trọng của người Campuchia. Nhà lãnh đạo này cũng đã hủy dự án nhà máy than trị giá 1,5 tỷ USD, công suất 700 MW tại công viên Botum Sakor ở Koh Kong. (AFP)
* Thái Lan: Cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm ủy viên Hội đồng Cơ mật: Ngày 29/11, theo Công báo Hoàng gia của Thái Lan, Vua Vajiralongkorn đã bổ nhiệm cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm ủy viên Hội đồng Cơ mật. Đây là cơ quan gồm các cố vấn được bổ nhiệm cho Chế độ quân chủ.
Tướng Prayut, 69 tuổi, là thủ tướng thứ 29 của Thái Lan. Trước tổng tuyển cử ngày 14/5/2023, cựu tổng tư lệnh quân đội là ứng cử viên thủ tướng của đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN). Hồi tháng 7, Tướng Prayut tuyên bố quyết định từ giã hoạt động chính trị sau 9 năm nắm quyền tại Thái Lan. (Bangkok Post)
TIN LIÊN QUAN | |
BRI mở ra một chương mới trong tình hữu nghị Trung Quốc-Campuchia |
Nam Á
* Ấn Độ: Than vẫn là một phần quan trọng về năng lượng: Ngày 30/11, phát biểu với báo giới trước thềm chuyến công tác Dubai của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Bí thư đối ngoại Ấn Độ Vinay Mohan Kwatra khẳng định: “Than đang và sẽ vẫn là một phần quan trọng trong nhu cầu năng lượng của Ấn Độ”.
Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với nhiên liệu hóa thạch. Bí thư Đối ngoại Kwatra cũng cho hay Ấn Độ mong đợi một lộ trình rõ ràng về tài trợ khí hậu tại COP28 và luôn thẳng thắn về hỗ trợ quỹ “tổn thất và thiệt hại”. nhằm giúp các nước phục hồi sau suy thoái môi trường do phát triển công nghiệp. Ông giải thích: “Quỹ này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các nước đang phát triển”. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chống biến đổi khí hậu: Chậm nhưng chắc |
Đông Bắc Á
* Mỹ-Hàn tập trận chung gần DMZ: Ngày 29/11, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ cho biết các binh sĩ nước này từ Đơn vị Hóa học, Sinh học, Phóng xạ, Hạt nhân số 59 đã huấn luyện cùng với Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và quân đội Hàn Quốc gần Khu phi quân sự (DMZ) để củng cố thế trận phòng thủ tổng hợp. Theo INDOPACOM, cuộc huấn luyện tập trung vào các nhiệm vụ trinh sát và khử nhiễm cũng như chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các mối nguy hiểm hóa học, sinh học và hạt nhân.
Cụ thể, đơn vị số 59 có trụ sở tại New York đã triển khai luân phiên trong 9 tháng tại Trại Casey ở Dongducheon, cách Seoul 41 km về phía Bắc, kể từ tháng Bảy để hỗ trợ Sư đoàn Bộ binh số 2 và Quân đoàn 8 đóng tại Hàn Quốc. Ngoài ra, đơn vị số 59 cũng đã tham dự Ulchi Freedom Shield, một cuộc tập trận quân sự chung thường niên do lực lượng Hàn Quốc và Mỹ tổ chức vào tháng Tám. (Yonhap)
* Triều Tiên bác bỏ chỉ trích của LHQ: Ngày 30/11, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong đã bác bỏ sự chỉ trích của quốc tế với vụ phóng vệ tinh do thám vừa qua của Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn trung ương KCNA (Triều Tiên) dẫn lời bà Kim nêu rõ: “Tôi lấy làm tiếc về việc HĐBA đang bị biến thành một vùng đất vô pháp luật, nơi chủ quyền của các quốc gia độc lập bị vi phạm một cách trắng trợn”. Bà cũng khẳng định Triều Tiên sẽ “tiếp tục thực hiện các quyền chủ quyền của mình mà không bị hạn chế trong tương lai”.
Trước đó, ngày 27/11, Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập phiên họp hôm 27/11 để thảo luận vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên ngày 21/11. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Bán đảo Triều Tiên: Vòng xoáy căng thẳng mới |
* Điện Kremlin nêu thời điểm Tổng thống Putin họp báo cuối năm: Ngày 30/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Ngày 14/12, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tổng kết kết quả của năm. Đây sẽ là hình thức kết hợp giữa đường dây trực tiếp và cuộc họp báo cuối cùng của tổng thống”. Hiện ông Putin cho biết liệu ông có tìm kiếm một nhiệm kỳ 6 năm nữa tại bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024 hay không. Song nhiều người dự đoán ông sẽ tiếp tục tranh cử.
Trong tháng này, 6 nguồn tin tiết lộ ông Putin đã quyết định tranh cử, với khả năng nắm quyền ít nhất đến năm 2030. Người đứng đầu Điện Kremlin cảm thấy ông phải lèo lái nước Nga qua thời kỳ nguy hiểm nhất nhiều thập kỷ. (Reuters)
* Nga chỉ trích Bulgaria vì cấm máy bay chở Ngoại trưởng: Ngày 30/11, viết trên Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta – chính quyền không cấm máy bay mà cấm một người trên chiếc máy bay đó” Bà cảnh báo rằng Nga có thể áp dụng các lệnh cấm bay tương tự đối với “hàng nghìn quan chức NATO” và cáo buộc Bulgaria đã tạo ra “tiền lệ nguy hiểm”. Máy bay buộc phải bay một lộ trình dài hơn qua Hy Lạp để đưa ông Lavrov và bà Zakharova tới dự cuộc họp của các ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Skopje ở Bắc Macedonia.
Trước đó, các quan chức chính phủ Ukraine, Estonia, Latvia và Lithuania đã tuyên bố tẩy chay cuộc họp ở Skopje để phản đối sự hiện diện của phái đoàn Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Putin: Nga đang thoát khỏi cái ‘kim công nghệ’ của Phương Tây |
* Hãng thông tấn quốc gia Mexico đóng cửa: Ngày 29/11, với 262 phiếu thuận và 210 phiếu chống, Quốc hội Mexico đã thông qua dự thảo đóng cửa hãng Thông tấn quốc gia Mexico (Notimex). Hội đồng Lưỡng viện Mexico nêu rõ trong nhiều thập kỷ qua, Notimex đã thực hiện nhiệm vụ thay mặt chính phủ cung cấp thông tin cho người dân. Song với sự phát triển của công nghệ thông tin, độc giả có thể tiếp cận với nhiều nguồn tin cũng như nhiều thể loại tin đa dạng, đồng thời thông tin được cung cấp ở thời gian thực, do đó mang tính tức thì và cập nhật hơn.
Theo quy định, các thủ tục pháp lý liên quan sẽ do Viện Thu hồi công sản Mexico tiến hành. Trong khi đó, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động Mexico sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan quyền lợi của 300 người lao động tại Notimex.
Thành lập năm 1968 với nhiệm vụ ban đầu là đưa thông tin về hoạt động của Thế vận hội mùa Hè được tổ chức tại Mexico (Mexico 1968), Notimex sau đó đã trở thành Hãng thông tấn quốc gia. Kể từ năm 2006, cơ quan này đã không còn chịu sự quản lý về nhân sự của Bộ Nội vụ Mexico mà được điều hành trực tiếp bởi một ủy ban chuyên trách bao gồm các thành viên nội các chính phủ. (TTXVN)