Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh.
Tại “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” diễn ra vào hôm nay (30.11), PGS.TS Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển – cho biết: “Thực tiễn cho thấy chuyển dịch xanh không đồng đều giữa các quốc gia. Thậm chí trong một quốc gia, chuyển dịch xanh không đồng đều giữa các địa phương, các khối doanh nghiệp và các bộ phận người dân”.
Riêng về khối doanh nghiệp, theo ông Trần Trọng Nguyên, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn và công nghệ. Do vậy, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế khả năng đầu tư vào công nghệ xanh, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc Hội – chỉ khoảng 57% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức được chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là cần thiết. Ngoài ra, 98% trong số họ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi xanh. Nhiều doanh nghiệp nói rằng chuyển đổi xanh dường như là điều xa xỉ. Việc chuyển đổi giống như kêu gọi mang tính chất đạo đức nhiều hơn về vấn đề thương mại, kinh tế.
“Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nói rằng “cày” trước, rồi mới nói chuyện “xanh” sau. Đây là vấn đề thực tế của rất nhiều doanh nghiệp. Có lẽ cuộc cách mạng nhận thức nên được triển khai ở các doanh nghiệp. Hiện tại, chuyển đổi xanh không phải sự lựa chọn mà là một con đường độc đáo, là sự sống còn của mọi doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.
Vấn đề chuyển đổi xanh không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn mà còn là vấn đề của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình. Đây là một yêu cầu tất yếu, như một hộ chiếu xanh, một chứng chỉ xanh để chúng ta đi vào thị trường thế giới. Đồng thời, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia vào mạng sản xuất. Nhận thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có nỗ lực nhiều hơn, để hiểu về tầm quan trọng, sự cần thiết của chuyển đổi xanh đối với họ” – ông Vũ Tiến Lộc nói thêm.