KHÔNG BIẾT TỰ BAO GIỜ, NGƯỜI DÂN NGHĨA LỘ TIN RẰNG PHẢI ĐI XA QUÊ HƯƠNG THÌ MỚI CÓ THỂ LÀM ĂN VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC. Ở CHIỀU NGƯỢC LẠI, CŨNG CHỈ NHỮNG NGƯỜI TỨ XỨ MỚI CÓ THỂ LÀM GIÀU TRÊN MIỀN ĐẤT XÒE HOA. BÀI VIẾT NÀY VỀ MỘT NGƯỜI NGHĨA LỘ CHÍNH GỐC, NHƯNG CÓ NIỀM TIN SẮT ĐÁ SẼ THAY ĐỔI QUAN NIỆM ĐÃ SÂU RỄ BỀN GỐC ĐÓ.
Núi rừng Tây Bắc thêm rực rỡ nhờ các dự án nghỉ dưỡng cao cấp
Trước khi đi vào nội dung chính của bài viết, xin được dông dài đôi dòng để tỏ tường về khái niệm Nghĩa Lộ trong “lời nguyền Nghĩa Lộ”
Theo đó, Nghĩa Lộ ở đây không chỉ giới hạn trong khuôn khổ thị xã Nghĩa Lộ như ngày nay mà là cả một tỉnh được thành lập từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Sau nhiều lần nhập tách, phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ nay thuộc về phía tây tỉnh Yên Bái, gồm các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ.
Tây Bắc mùa này đã bắt đầu lạnh. Mặt trời trễ nải hơn. Còn sương muối cứ mãi chùng chình trên các ô ruộng bậc thang giờ phần nhiều chỉ còn gốc rạ.
Trong tiết thu hanh hao, quanh tách trà shan tuyết hây hẩy khói nóng – thứ trà đặc sản của vùng Văn Chấn, tôi lần đầu được nghe đến khái niệm “con đường du lịch Yên Bái”.
Ngồi trước mặt tôi, ông Đào Xuân Thịnh (SN 1970) không mang dáng vẻ trau chuốt như phần lớn các doanh nhân trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp mà tôi từng tiếp xúc. Ở ông có cái thật thật của người miền núi, cái lỳ lợm của người dám làm và cả độ chai sạn của một thời quẫy hùng trai trẻ.
Ông Thịnh say sưa: Con đường du lịch Yên Bái xuất phát từ thị xã Nghĩa Lộ, đến Tú Lệ và kết thúc tại Mù Cang Chải. Ba địa điểm, mỗi nơi cách nhau chừng 1 tiếng di chuyển, nhưng lại mang những giá trị cốt lõi khác nhau.
Nghĩa Lộ là 1 thị xã năng động trẻ trung, là nơi giao thoa văn hoá của nhiều nhóm dân tộc với những màn múa xoè đậm chất Mường Lò. Ở độ cao 200 m so với mực nước biển, được bao quanh bởi các dãy núi, Nghĩa Lộ có khi hậu quanh năm mát mẻ, ít mưa, nhiệt độ giao động thường xuyên ở mức 24 độ.
Tú Lệ là “nàng thơ” Tây Bắc với đặc thù văn hoá dân tộc người Thái, ở độ cao tới 600m so với mặt nước biển. Còn Mù Cang Chải ở độ cao trung bình khoảng 1.200m so với mặt nước biển, nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, ruộng bậc thang kỳ vĩ và văn hoá đặc trưng dân tộc H’Mông.
Với sự đa dạng và khác biệt riêng, 3 điểm sẽ bổ trợ lẫn nhau và tạo thành nòng cốt cho sự phát triển du lịch của Yên Bái.
– Vậy ông làm gì?, tôi hỏi.
– Tôi đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng để có một Le Champ Tú Lệ (xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn) và đang xây dựng khu nghỉ dưỡng tiệm cận 6 sao tại xã La Phán Tẩn, huyện Mù Cang Chải với sức chứa 200 phòng, tổng giá trị đầu tư gần 600 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tôi đang kết hợp với đối tác Singapore để xây dựng thêm một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại bản Bon thuộc huyện Văn Chấn. Đây là khu nghỉ có suối khoáng nóng, tổng mức đầu tư cũng xấp xỉ 1.000 tỉ đồng…
Câu chuyện càng sôi nổi quanh tách trà cứ đầy rồi lại vơi. Mặt trời trồi dần lên giữa nền trời xanh thẳm. Những tia nắng sớm mang theo hơi nước nhuộm vàng thung lũng Mường Lò, phản chiếu những đám mây sáng rực đang xôn xao như biển quanh các đỉnh núi.
Lần trước tôi gặp ông Đào Xuân Thịnh là khoảng năm 2018, khi khu du lịch ở Tú Lệ còn chưa hoàn thiện hình hài. Khi một số người lo ngại làm du lịch nghỉ dưỡng ở địa điểm không mấy thuận tiện đường sá thì ông chỉ trả lời kiên định:
Sau 5 năm, sự tự ái năm nào của người đàn ông thế hệ đầu 7X đã đóng góp cho miền đất khó một tổ hợp nghỉ dưỡng 4 sao chỉn chu và hoa lệ. Le Champ Tú Lệ nay đã kết thúc giai đoạn 1 với quy mô 150 phòng và trở thành cái tên quen thuộc trong giới ưa xê dịch, minh chứng phần nào cho sự nhạy bén trong tư duy của một tay ngang.
“Tận dụng vật liệu tre, nứa, gỗ sẵn ở địa phương, chúng tôi đã tạo nên một khu nghỉ dưỡng với hàng chục căn nhà sàn nằm trên triền dốc xếp theo từng lớp, giống như một bản làng người Thái bản địa. Dẫu cho dịch bệnh vẫn còn để lại ít nhiều tác động, nhưng thật vui khi tỉ lệ lấp đầy phòng của Le Champ Tú Lệ là rất cao”, ông Thịnh tự hào nói.
Rồi ông tâm sự, giờ đây, tâm huyết của ông đang tạm dồn cho Mù Cang Chải Resort. Ngoài việc sẽ trở thành điểm nhấn du lịch, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 150 lao động địa phương. Từng bước nâng tầm hình ảnh và kinh tế địa phương cũng như cải thiện đời sống người dân.
“Tôi trăn trở lắm. Trong đầu lúc nào cũng lởn vởn câu hỏi: Tại sao Mù Cang Chải đẹp thế mà người dân lại vẫn nghèo, không được hưởng lợi gì? Đặc sản Mù Cang Chải là ruộng bậc thang nhưng trồng lúa thu hoạch thì được bao nhiêu đâu. Nhưng nếu trồng lúa gắn với du lịch thì hiệu quả hơn rất nhiều, thế nên tôi phải làm”, ông tâm sự.
Mặt trời lên cao hơn, tãi những tia nắng hình dẻ quạt xuyên qua những dãy nhà khang trang của khách sạn Miền Tây – biểu tượng kiến trúc của thị xã Nghĩa Lộ, cũng là nơi chúng tôi dùng trà sáng.
Tôi phóng mắt quan sát, khách sạn Miền Tây là một dãy nhà ngang thấp tầng sơn tông màu trắng bám dọc đường Điện Biên với lối kiến trúc tinh tế của châu Âu. Tầng 1 là khu vực phục vụ đồ uống với nội thất trong phòng là ghế sa-lông da màu trầm. Ngoài sảnh là vài bộ bàn ghế sắt uốn cong kèm ô che nắng màu đỏ đô.
Ông Thịnh hào hứng kể: “Năm đó, khách sạn Miền Tây đã rất xuống cấp, địa phương tính đập bỏ và chia 20 lô để đấu giá. Đất nằm ngay mặt đường lớn trung tâm nên rất nhiều người quan tâm. Tôi nghĩ đến cảnh 20 lô đất sau đó là 20 căn nhà lố nhố thì còn gì là bộ mặt thị xã nữa, nên tìm mọi cách để mua hết. Sau đó tôi dồn sức cải tạo và giữ lại được khách sạn như hiện tại”.
Trở lại những năm 1990 – 2000, theo lời kể, ông Đào Xuân Thịnh nên duyên từ lĩnh vực khai khoáng. Công ty Cổ phần Thịnh Đạt ra đời, ông Thịnh làm tổng giám đốc, khai trường chính ở Mù Cang Chải.
“Tất cả cổ đông đều là anh em, bạn bè của tôi và hầu như là người bản địa. Chúng tôi không hạch toán lỗ lãi, vì chẳng biết bao giờ mới thu hồi được đủ vốn, nhưng đóng góp được gì để phát triển quê hương thì mình làm”, ông tâm sự.
Sau nhiều năm gây dựng cơ ngơi, có vốn liếng tích luỹ và trải nghiệm sống tăng dần, ông bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về “lời nguyền Nghĩa Lộ” – nói rằng người Nghĩa Lộ sẽ không bao giờ có thể làm giàu được trên mảnh đất quê hương.
“Thế hệ trước tôi không biết, nhưng đúng là thế hệ từ tôi thấy rất khó giữ chân người giỏi ở lại. Cá nhân tôi thì thấy mình có nợ với quê hương nhiều quá. Nên cũng phải làm thôi”, ông tâm sự.
Vậy là một kẻ tay ngang bắt đầu những viên gạch móng trong lĩnh vực du lịch bằng việc đầu tư vào một số khách sạn tại trung tâm thị xã Nghĩa Lộ. Câu chuyện cho đến giờ ông vẫn tâm đắc là giữ lại được hình hài nguyên vẹn của khách sạn Miền Tây.
Giờ đây, khi dần được định hình là “ông trùm” lĩnh vực nghỉ dưỡng tại Yên Bái, hệ thống của ông Thịnh đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trong đó có rất nhiều người trẻ, học hành bài bản về đầu quân. Ông cũng đồng thời được bầu làm Chủ tịch hội Doanh nghiệp phía Tây Yên Bái.
“Tôi đã chủ động tiếp xúc, mời về công ty 15 nhân sự có bằng từ đại học trở lên quay lại Nghĩa Lộ làm việc. Đây là điều xưa nay rất hiếm vì các em đều có tư tưởng đi xa”, ông Thịnh nói và chia sẻ, để hoá giải “lời nguyền Nghĩa Lộ” cũng nhờ sự giúp đỡ rất nhiều từ phía chính quyền địa phương.
Cũng chính vì vậy, mỗi khi các huyện thị vùng cao Yên Bái xảy ra bão lũ, thiên tai, ông Thịnh luôn là người tiên phong hỗ trợ. Vào đầu tháng 8.2023 vừa qua, trận mưa lớn gây ra lũ ống, lũ quét làm cô lập nhiều xã ở huyện Mù Cang Chải, ông Thịnh đã huy động phương tiện, máy móc và nhân lực công ty vào “rốn lũ” thông đường giúp dân.
Kết thúc buổi trà sáng, người đàn ông tuổi 53 tâm sự, mình làm gì thì cũng lấy người dân bản địa làm trọng tâm để phát triển. Ở mỗi nơi đầu tư, phát triển dự án, ông đều ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Ông cũng nhiệt tình giúp đỡ người H’Mông phát triển nghề nấu rượu thóc kết hợp chăn nuôi lợn; người Thái cổ khôi phục khu dệt vải truyền thống trăm năm…
Laodong.vn