Gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) chính là nguồn lực mạnh để góp phần phát triển và lan tỏa thương hiệu du lịch xanh, bền vững tại Việt Nam.
Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Kiều bào về thăm di tích Đền Hùng trong chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: An Lê) |
Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới.
“Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng đưa ra định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Kiều bào là nguồn khách giàu tiềm năng
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cộng đồng NVNONN luôn hướng về quê hương, mong muốn được quay trở về thăm thân, du lịch, tìm hiểu về văn hóa, truyền thống dân tộc và được tạo điều kiện để góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong những năm qua, NVNONN là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển cho ngành du lịch. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có khoảng 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước, tương đương với lượng du khách Nhật Bản, thị trường khách du lịch lớn thứ ba của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ được sinh ra, lớn lên, được đào tạo trong môi trường văn hóa, giáo dục của nước ngoài là thế hệ kế cận, sẽ chiếm vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng; xu hướng về Việt Nam làm ăn, thăm thân, du lịch, tìm hiểu cội nguồn… sẽ ngày càng gia tăng.
Từ năm 2004 tới nay, Ủy ban Nhà nước về NVNONN thường xuyên tổ chức Trại hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào thăm quê hương, tham gia các chuyến đi xuyên Việt tìm hiểu cội nguồn, tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa, phong tục vùng miền.
Ủy ban cũng chú trọng lồng ghép các hoạt động tham quan với các chương trình tổ chức thường niên khác như Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt, Chương trình Xuân Quê hương. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề xuất ý tưởng tổ chức Năm du lịch kiều bào, nếu đạt hiệu quả cao sẽ hướng tới tổ chức với quy mô cấp quốc gia.
Chia sẻ về nhu cầu của kiều bào, đặc biệt là người Việt trẻ tại Mỹ, bà Erin Phương, Chủ tịch Vietnam Society, cho biết du lịch cội nguồn sẽ là lời giải đáp cho băn khoăn của về danh tính đang được nhiều thanh niên Mỹ gốc Việt đặt ra là “Tôi là người Việt hay người Mỹ?”.
Bà cho rằng: “Sự gắn bó với một nơi chốn, một vị trí địa lý, cảm giác hoài niệm hay sự kết nối tình cảm của một người với một ngôi trường có nhiều ý nghĩa với họ. Chỉ đơn thuần như ăn một tô phở ở Việt Nam đã gợi ra cảm xúc khác biệt khi ăn một tô phở ở Washington D.C”.
Để du lịch cội nguồn phát triển, bà Phương gợi ý một số giải pháp như phát triển đội ngũ tình nguyện viên, hỗ trợ phiên dịch tiếng Anh… Ngoài ra, việc lựa chọn địa điểm du lịch cần cho thế hệ trẻ người Việt tại Mỹ hiểu được nguồn gốc, về nơi họ sinh ra cũng như gợi mở sự khám phá của họ về di sản văn hoá từ ẩm thực, văn học, âm nhạc đến lễ hội, nghệ thuật, kiến trúc…
Để thu hút hơn nữa kiều bào tại Czech về Việt Nam du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech đưa ra một số giải pháp như sớm thúc đẩy đường bay thẳng Việt Nam-Czech; tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian xét duyệt trong việc xét cấp miễn thị thực đối với những người nước ngoài gốc Việt Nam; phát triển thêm các chương trình du lịch kết hợp với khám phá về văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam.
Qua tìm hiểu, nhu cầu của kiều bào tại Czech trong việc tham gia các chương trình là khá lớn vì đây là cơ hội để họ tìm hiểu về văn hóa, nguồn cội, biển đảo quê hương… Được tổ chức bài bản bởi các cơ quan, tổ chức có uy tín, kinh nghiệm trong nước, các chương trình đều nhận được phản hồi tốt từ những người tham gia, do đó, kiều bào sẵn sàng cùng đóng góp kinh phí để được trải nghiệm.
Nữ doanh nhân Phùng Kim Vy ở Canada cũng là một trong những Việt kiều sớm trở về đầu tư tại Việt Nam cũng như phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại Mũi Né, Bình Thuận.
Từ năm 1986, bà Vy đã mở công ty lữ hành tại Canada nhằm đưa khách Việt kiều về Việt Nam. Từ những chuyến đi kết nối này, bà đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người Việt ở Canada và càng vững tâm hơn để quyết định về nước đầu tư du lịch, cũng như tin rằng tiềm năng của vùng biển Việt Nam là rất lớn.
Ngoài ra, một số đơn vị doanh nghiệp như Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel, cũng đang quan tâm xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch về nguồn nhằm thu hút kiều bào về nước thăm thân, du lịch và đầu tư.
Thanh niên kiều bào trải nghiệm chèo đò tại thắng cảnh Tràng An, Ninh Bình. (Ảnh: Hà Anh) |
Điều này không chỉ nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch kiều bào trở về thăm cội nguồn, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về thiên nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ kiều bào.
Hiện tại, một số địa phương như Phú Thọ với điểm mạnh là Di tích Đền Hùng cùng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – biểu tượng tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam, hay tỉnh Điện Biên – mảnh đất thiên nhiên tươi đẹp của vùng núi phía Bắc, cũng đang có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có kiều bào.
Phát huy vai trò làm nhịp cầu nối
Có thể nhận thấy những hiệu ứng tích cực từ những chương trình như Xuân Quê hương hay Trại hè Việt Nam khi bà con và thế hệ kiều bào trẻ khi trở về nước sở tại đã tình nguyện trở thành những sứ giả và nhịp cầu quảng bá cho quê hương đất nước.
Với bạn trẻ Lưu Nguyên Anh – thành viên đoàn tham gia Trại hè Việt Nam 2023, những hoạt động thực tế ở tỉnh Ninh Bình không chỉ giúp cậu được tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, mà còn cảm thấy rất tự hào vì những gì các thế hệ cha ông đã gìn giữ cho thế hệ sau. Chàng trai này chia sẻ: “Quay lại Mỹ, có dịp em rất muốn rủ các bạn ở Mỹ đến Tràng An chơi vì núi, sông ở đây quá tuyệt vời”.
Trải nghiệm hành trình Trại hè Việt Nam, hai cô gái Trần Nhật Tường Vy ở Slovakia và Trần Hà My ở Đức, cũng cho biết trở lại nước sở tại, họ muốn giới thiệu quảng bá nhiều hơn về quê hương với bạn bè của mình.
Tháng 10 vừa qua, ba địa phương miền Trung gồm tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng đã phối hợp Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam (MVFA) tổ chức chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch tại Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) Kuala Lumpur, Malaysia.
Hoạt động được triển khai nhằm phát triển và mở rộng thị trường khách quốc tế tiềm năng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời tăng cường truyền thông, quảng bá thương hiệu Miền di sản diệu kỳ – Amazing Central Vietnam Heritage.
Đặc biệt, tại đây, Trung tâm Xúc tiến du lịch của 3 tỉnh, thành Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế và Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác truyền thông, quảng bá du lịch.
Là kiều bào tích cực với các hoạt động hướng về quê hương đất nước, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch MVFA, chia sẻ: “Truyền thông, quảng bá du lịch là một trong những sứ mệnh của MVFA. Hy vọng, thông qua Hiệp hội, cùng tất cả đồng bào người Việt Nam tại Malaysia, chúng ta hãy cùng chung tay. Mỗi người là một đại sứ du lịch để cùng quảng bá về những nét đẹp văn hoá, ẩm thực, con người, góp phần đẩy mạnh du lịch của Việt Nam”.
Trung tâm Xúc tiến du lịch của 3 tỉnh, thành Quảng Nam-Đà Nẵng-Thừa Thiên Huế và Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam ký kết hợp tác quảng bá du lịch. (Ảnh: NVCC) |
Để phát huy hơn nữa nguồn lực NVNONN cho phát triển đất nước, trong đó có lĩnh vực du lịch, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), cũng đã ký kết Quy chế phối hợp nhằm thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm giữa hai cơ quan, vào tháng 8 vừa qua.
Theo đó, hai bên đều có chung mong muốn cùng các công ty du lịch, lữ hành nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch tập trung phục vụ nhu cầu của kiều bào, như “chương trình Trại hè du lịch” cho học sinh sinh viên kiều bào cũng như chương trình “Năm du lịch kiều bào” với quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia với đối tượng khách tham gia rộng lớn hơn và mục tiêu đa dạng hơn.
Du lịch Việt Nam đang có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, hình ảnh du lịch xanh Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách quốc tế, cũng như thể hiện tiềm năng lớn của cộng đồng NVNONN trong việc đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch trong nước.