Quốc hội yêu cầu vừa chú trọng tháo gỡ các vướng mắc trước mắt, vừa phải bám sát mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Khắc phục sợ sai, chống “lợi ích nhóm”
Sáng 29.11, Quốc hội (QH) bế mạc kỳ họp thứ 6 QH khóa XV sau hơn 22 ngày làm việc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay tại kỳ họp, QH đã thảo luận kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính – ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2023 và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2024.
Dự báo tình hình sắp tới bên cạnh thuận lợi, còn không ít hạn chế, yếu kém và phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, Chủ tịch QH cho biết QH nhấn mạnh yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. QH cũng yêu cầu vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt, vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
QH yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. QH yêu cầu phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình QH xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người VN; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1.7.2024.
Ngoài ra, QH cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
Lùi luật đất đai tới kỳ họp gần nhất
Về công tác lập pháp, Chủ tịch QH cho biết tại kỳ họp, QH thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 dự án luật, gồm: luật Căn cước; luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; luật Nhà ở sửa đổi; luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; luật Tài nguyên nước sửa đổi; luật Viễn thông sửa đổi. QH cũng đã cho phép thí điểm chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ với 21 dự án đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.
Cạnh đó, theo Chủ tịch QH, việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024 có tính cấp thiết vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tại nghị quyết chung của kỳ họp, QH đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. “QH cũng đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư trong thời gian tới”, Chủ tịch QH nêu rõ.
Liên quan việc lùi thông qua 2 dự án luật Đất đai sửa đổi và luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Chủ tịch QH cho hay do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, QH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng. Sau khi cân nhắc thận trọng nhiều mặt, QH quyết định sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Phát huy kết quả, khắc phục hạn chế
Đề cập hoạt động giám sát, Chủ tịch QH nhấn mạnh QH đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các nghị quyết của QH về 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau giám sát, QH đã thông qua nghị quyết giám sát với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
QH đã dành hai ngày rưỡi tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.
QH đã thông qua nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ địa chỉ, phạm vi thời gian và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết trước QH và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Cạnh đó, QH đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai và nhận được sự đánh giá cao của cử tri, nhân dân cả nước. “QH đề nghị những người được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
“Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định kỳ họp thứ 6, QH khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch QH khẳng định và đề nghị các đại biểu QH, cơ quan của QH sớm triển khai các luật, nghị quyết được QH thông qua.
Quốc hội dự kiến họp bất thường vào tháng 1.2024, quyết luật Đất đai
Thông tin tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 QH khóa XV ngay sau phiên bế mạc sáng 29.11, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết việc QH chưa thông qua các luật Đất đai sửa đổi và luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm của QH vì trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng.
Ông Cường cũng thông tin Đảng đoàn QH đang báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức kỳ họp bất thường đầu tháng 1.2024 để xem xét, thông qua các dự án luật Đất đai sửa đổi, luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các nội dung khác mà Chính phủ trình.
Thông tin thêm, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra các dự án luật Đất đai sửa đổi, luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi) Phạm Thị Hồng Yến cho hay tới nay, vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách để có phương án tối ưu. Cụ thể: vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển KT-XH mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vấn đề quản lý, khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất; vấn đề sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.
Với luật Tổ chức tín dụng, hiện còn 3 vấn đề hết sức quan trọng còn ý kiến khác nhau, gồm: các biện pháp can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt với các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục giảm 2% thuế VAT, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024
Trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6 QH khóa XV được QH thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp sáng 29.11, QH đồng ý giảm 2% thuế suất thuế VAT, từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang được giảm thuế tại Nghị quyết 43 năm 2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Thời gian giảm thuế VAT từ 1.1.2024 – 30.6.2024.
Việc giảm thuế này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại Nghị quyết 43, gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, QH đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết ngày 31.12.2024. Cùng đó, bổ sung 966,749 tỉ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách T.Ư của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án này. “Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo QH; chỉ đạo bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ và quy định của luật Ngân sách nhà nước, luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan”, nghị quyết nêu rõ.
Sáng cùng ngày, QH thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Qua rà soát của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Mức thuế bổ sung chênh lệch so với hiện nay khoảng hơn 14.600 tỉ đồng mỗi năm.
Thanhnien.vn