Từ năm 2025 trở đi, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện 4 bài thi, trong đó 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thi tự chọn (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Như vậy, Ngoại ngữ không còn là môn thi học bắt buộc như các kỳ thi trước đây.
Lý giải về thay đổi lớn này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, môn tiếng Anh hiện được bắt buộc học từ năm lớp 3 đến lớp 12 và các kỳ thi chuyển cấp đều có môn thi này.
Khi lên bậc đại học, các trường cũng quy định về chất lượng đầu ra ngoại ngữ với sinh viên khi tốt nghiệp.
“Ở bậc đại học cũng có chuẩn đầu ra theo khung năng lực 6 bậc. Vì vậy, không thể nói vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà bỏ học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ việc học là liên tục, học cả quá trình”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định, việc không thi môn Ngoại ngữ không làm giảm đi vai trò của môn học, quan trọng nhất vẫn là việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Bắt đầu từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Việc đổi mới môn thi tốt nghiệp THPT 2025 được nhiều các chuyên ủng hộ.
Đồng tình với phương án tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, GS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, không phải cứ thi là năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ tăng lên.
Ở Nghệ An, chất lượng dạy và học tiếng Anh tốt hơn so với cách đây 5 năm. Nguyên nhân chính là địa phương có những cơ chế tác động tới người dạy, người học, quan tâm tới môi trường học tập. Nghệ An cũng một trong số ít địa phương chi ngân sách bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (TOEIC), xét tuyển lớp 10 với học sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, chuyên gia Viện Nghiên cứu giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhận định, đưa môn tiếng Anh thành môn lựa chọn đã được cân nhắc rất kỹ.
Giáo viên, phụ huynh không nên lo ngại học sinh bỏ bê tiếng Anh bởi hầu hết trường đại học đưa môn này vào tổ hợp xét tuyển, hoặc xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp. “Vì thế, học sinh muốn xét tuyển đại học thì vẫn bắt buộc học và thi tiếng Anh”, ông Sỹ Anh nói.
Ông mong Bộ GD&ĐT cũng như các trường phổ thông cần tích cực đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, làm sao để học sinh yêu thích và tự giác học môn này, thay vì chỉ học để xét tuyển đại học. “Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT nhiều lần chú trọng vào việc đổi mới cách dạy và học Lịch sử, Ngữ văn, và giờ là lúc áp dụng những điều đó vào môn Ngoại ngữ”.
Là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Linh đồng tình với quan điểm sẽ để môn ngoại ngữ là môn tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung đúng là quan trọng nhưng ai thực sự cần dùng đến mới nên học sâu. Thực tế, thời buổi hội nhập, ai cũng dùng đến ngoại ngữ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, ngoại ngữ phải là sinh ngữ thì mới đúng ý nghĩa của việc học.
Tất nhiên, ngoại ngữ vẫn nên được dạy như bình thường, còn việc có chọn thi tốt nghiệp môn này hay không là tùy thuộc vào mỗi học sinh. Chính việc quan trọng hóa tiếng Anh, cào bằng tất cả khiến nhà nhà đi học, người người đi học để lấy chứng chỉ IELTS như hiện nay, nhưng bao nhiêu người sau khi có chứng chỉ mà có thể giao tiếp tốt thì không hẳn, nữ giáo viên cho hay.
Hà Cường