SGGP
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm – CAGR giai đoạn 2022-2023 là 19%) và sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023- 2025.
Nhận định này vừa được Tập đoàn Google, Temasek và Bain & Company công bố trong báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 với chủ đề “Chinh phục đỉnh cao mới: Hướng tới hành trình tăng trưởng có lợi nhuận”.
Tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Báo cáo cho thấy, tổng giá trị hàng hóa của khu vực vẫn tiếp tục tăng và dự kiến đạt 218 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines). Tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Tăng trưởng giá trị hàng hóa trong 2 năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và thanh toán số đóng vai trò quan trọng.
Tự thanh toán tiền mua hàng tại Nhà sách Fahasa, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng vươn cao hơn nữa sự phổ biến của các ứng dụng số hóa và lực lượng lao động công nghệ nội địa tự đào tạo có tay nghề cao đang thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo”, ông Fock Wai Hoong, Trưởng ban Đông Nam Á của Tập đoàn Temasek, nhận định.
Trong khi đó, ông Andrea Campagnoli, Trưởng Văn phòng kiêm Đối tác sáng lập của Bain & Company tại Việt Nam, cho biết: “Thật đáng chú ý khi tốc độ tăng trưởng và doanh thu của nền kinh tế số Đông Nam Á đều tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số, với doanh thu dự kiến sẽ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023. Đặc biệt, Việt Nam thể hiện sự tăng trưởng tích cực về khối lượng đầu tư trong nửa đầu năm 2023 so với năm ngoái”.
Trợ lực từ thanh toán online
Trong phát triển kinh tế số không thể không nhắc đến thanh toán trực tuyến (online). Trong đó, thanh toán QR code trở thành xu hướng phổ biến nhất và đạt tỷ trọng ngày càng tăng. Theo hệ thống thanh toán Napas, quý 3-2023, thanh toán QR code qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng.
Đại diện hệ thống thanh toán trực tuyến Payoo thông tin: Trên hệ thống Payoo, thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quý 3-2023 tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước. Tại quầy, thanh toán QR code tăng 8% về số lượng và gần 20% về giá trị, đạt mức tăng 44% so với 3 tháng đầu năm. Đặc biệt, nếu như QR code trước đây chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống tự doanh của cửa hàng thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn. Số lượng giao dịch QR code thanh toán hóa đơn quý 3-2023 đã tăng 2,6 lần so với quý 2-2023.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, nhận xét: “Với sự nhạy bén, bắt nhịp nhanh với xu thế và công nghệ hiện đại, giới trẻ đang là nhân tố chủ chốt trong hành trình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xu hướng thanh toán số tại Việt Nam. Tích cực dùng thanh toán số trong cuộc sống hàng ngày, giới trẻ đang góp phần tạo ra, lan tỏa một xu hướng tiêu dùng mới và hình thành nên nền kinh tế số”.
Hiện có khoảng 2,5 triệu người dùng thanh toán qua MoMo cho hơn 90% dịch vụ hành chính công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và 1 triệu người dùng cho các dịch vụ công. Đồng thời, 4.260 trường học trên toàn quốc, trong đó có hầu hết trường học ở TPHCM, chấp nhận thanh toán học phí qua MoMo. Tương tự, 148 bệnh viện, phòng khám trên toàn quốc, trong đó có tất cả các bệnh viện lớn tại TPHCM, cũng triển khai thanh toán bằng MoMo.
Dựa trên dữ liệu này, ông Nguyễn Bá Diệp nhấn mạnh, người trẻ là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy kinh tế số, góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam của Google châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển đúng hướng, các lĩnh vực quan trọng dự kiến sẽ tiếp tục phát triển dù phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Những lĩnh vực thúc đẩy kinh tế số
Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 11% từ năm 2022-2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm kỳ vọng tăng 22% đến năm 2025, hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025. Ngành du lịch được dự báo sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm nay, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch nội địa. Du lịch trực tuyến đã tăng 82% trong năm qua và kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm tăng 21% từ năm 2023-2025, với giá trị hàng hóa dự kiến đạt 7 tỷ USD. Các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục phát triển và góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, bao gồm ngành vận tải, thực phẩm (dịch vụ giao đồ ăn) và truyền thông trực tuyến.