Mới đây, Bảo Ninh nhận chia sẻ về cuộc đời viết văn của mình, và bức chân dung xuất hiện với nhiều nét mới và khác hơn những gì người ta vẫn biết về ông.
Những người lính… là thế hệ vĩ đại
Năm 1969, nhà văn Bảo Ninh nhập ngũ ở tuổi 19. Năm 1975, khi đất nước không còn chiến tranh, ông tiếp tục được giữ lại làm công tác chính sách, đi tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Chính công việc này giúp ông tiếp xúc với nhiều thân phận con người thời hậu chiến và tạo cảm hứng cho ông viết tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”.
“Nỗi buồn chiến tranh” cũng chính là tác phẩm để ông tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du. Bản thảo ban đầu đã bị thất lạc nên ông phải viết lại. Cuốn sách hoàn thành năm 1987.
Bảo Ninh cho biết, tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” không có bố cục cụ thể. Tác phẩm văn học viết theo trình tự tuyến tính vốn quen thuộc với người đọc và dễ khiến người đọc tiếp nhận. Nhưng với người có vốn sống quá khứ nhiều như bản thân Bảo Ninh thì ý nghĩ luôn lộn xộn.
Năm 1990, NXB Hội Nhà văn in tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”. Trái với những lời đồn đoán lâu nay về việc tác phẩm bị kiểm duyệt và cắt bớt đi một số đoạn, nhà văn Bảo Ninh khẳng định không hề có việc đó.
Tác phẩm được in nguyên văn như bản thảo ông gửi nhà xuất bản. Bảo Ninh cũng cho rằng sau này đọc lại, có một số đoạn ông cảm thấy không vừa ý và nghĩ rằng mình có thể viết tốt hơn, không vụng về như vậy.
Trên bình diện quốc tế, cho đến thời điểm này, tác phẩm được dịch ra 20 thứ tiếng và xuất bản ở 20 quốc gia. The Guardian đã gọi Bảo Ninh là “nhà văn Việt Nam thời hiện đại được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài”.
Tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” được in vào đầu thời kỳ đổi mới và NXB Hội Nhà văn chỉ đổi tên là “Thân phận của tình yêu” để bán sách cho chạy hơn vì thời đó sách có đề tài về chiến tranh không ăn khách, chứ không phải vì lý do chính trị.
Khi tác phẩm xuất hiện trên văn đàn, một số nhà văn tên tuổi của thế hệ trước đã khen hết lời. Nhưng sau đó, khi dấy lên phong trào “đánh” cuốn sách “Nỗi buồn chiến tranh”, nhiều người trong số họ quay lại chê Bảo Ninh là… viết văn phản động. Trong Hội đồng xét giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” năm 1991, chỉ có hai người sau đó không lên tiếng chỉ trích ngược lại ông.
Bảo Ninh không muốn phiền lụy gia đình nên quyết định dừng viết văn và đi buôn để mưu sinh. Sau đó, nhiều nhà văn khác như: Chu Lai, Nguyễn Kiên, Lê Lựu… và nhiều đồng đội cũ khuyên Bảo Ninh cứ tiếp tục viết. Những đồng đội cũ khuyên là ông cứ viết không vì danh tiếng, mà viết để đền ơn đáp nghĩa thế hệ của mình.
Đối với Bảo Ninh, những người lính cùng thời với ông là thế hệ vĩ đại bởi những gì mà họ đã trải qua trên chiến trường.
Nhà văn Bảo Ninh ngậm ngùi nhận xét: “Sau nhiều năm, ký ức về chiến tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng thường mang màu sắc tươi sáng. Nhưng thật ra chiến tranh rất khốc liệt. Đoàn tàu chở tôi khi nhập ngũ có khoảng 500 người, nhưng sau chiến tranh quay về chỉ còn khoảng 50 người và có rất ít người nguyên vẹn, lành lặn”.
Bảo Ninh cho rằng, người Việt Nam có vẻ không quen thể hiện sự đau đớn ra bên ngoài. Ông đã gặp nhiều bà mẹ có con cái hy sinh hết, nhưng họ vẫn có vẻ ngoài bình thản. Họ quen chôn giấu cảm xúc trong lòng.
Bảo Ninh nói ông rất ghét đọc những tác phẩm tươi sáng về chiến tranh. Bởi, ông cho rằng sứ mệnh của nhà văn là phải nói được tiếng lòng của nhân dân. “Nỗi buồn chiến tranh” chính là sự thể hiện tiếng lòng ấy.
Nỗi buồn chiến tranh khó chữa lành
Khi được hỏi giới trẻ bây giờ có khái niệm “chữa lành”, vậy tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” có chữa lành cho Bảo Ninh khỏi những vết thương chiến tranh không, ông trả lời rất nhanh: “Nỗi buồn và những ám ảnh chiến tranh sẽ còn mãi trong cuộc đời tôi và tôi chỉ có thể trông chờ nỗi buồn ấy sẽ hết vào thế hệ sau mà thôi. Tuy nhiên, với nhiều người lính Việt Nam khác, hậu chiến là một thời kỳ gian khổ, do vậy những ký ức hay ám ảnh chiến tranh bị chìm đi trong những bận rộn mưu sinh đời thường”.
Ông cũng nhìn nhận, ở giai đoạn hiện nay, khi mà cuộc sống đã tốt đẹp hơn theo sự phát triển của kinh tế, xã hội thì nhiều đồng đội cũ của nhà văn lại có khuynh hướng nhớ lại và viết lại những hồi ức thời chiến. Họ thường viết hồi ký và đưa cho nhà văn Bảo Ninh đọc để góp ý.
Ông thẳng thắn nói lên cảm nghĩ của mình khi công chúng đón nhận tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của ông với hai luồng dư luận khen – chê. Bảo Ninh cho rằng tác phẩm văn học Việt Nam sau 1945 “về cơ bản là chán”, nên khi có một cuốn viết khác đi thì công chúng chú ý.
Điều đó cho thấy nền văn học tuy có những tác phẩm hay của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng… trong khoảng mười năm đầu tiên. Nhưng sau đó văn chương cứ nhạt dần và mang tính tô hồng, nên nền văn học trở nên đều đều, không ấn tượng.
Công chúng cảm thấy chán và quen thuộc nên họ nhận ra cuốn sách “Nỗi buồn chiến tranh” là một kiểu viết mới và họ thích. Còn chuyện “bị đánh” thì dù sao cũng là chuyện của một thời đã qua và bây giờ ông có thể bình thản nhìn lại như một biến cố của cuộc đời viết văn.
Cho đến nay, ngoài “Nỗi buồn chiến tranh” và một số truyện ngắn đã công bố, nhà văn Bảo Ninh không xuất bản thêm một tác phẩm tiểu thuyết nào khác. Tuy nhiên, độc giả yêu mến văn chương của ông đều biết Bảo Ninh còn có một bản thảo tiểu thuyết mang tên “Đường về” chưa xuất bản, mà mới chỉ được giới thiệu một phần trên ấn phẩm “Viết và đọc” số mùa đông năm 2019.
Bảo Ninh không cho biết khi nào tác phẩm này ra mắt. Có lẽ đối với nhà văn, ông luôn cần giữ lại một chút bí mật gì đó cho riêng mình.
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh ngày 18/10/1952 tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ông xuất thân trong một gia đình trí thức, là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ (1922-1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Hiện, ông sống và làm việc tại Hà Nội. Bút danh Bảo Ninh được lấy theo địa danh xã Bảo Ninh quê hương ông. Bảo Ninh kể rằng ông học không giỏi văn thời phổ thông, không bao giờ môn văn quá 3 điểm (thời đó là thang điểm 5).
Khi học ở Trường viết văn Nguyễn Du từ năm 1984 đến 1986, khóa 2, nhà văn Bảo Ninh cũng ít khi tập trung cho việc học. Nhà văn tự cho rằng bản thân ông không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cho nên văn chương của ông cũng viết theo cảm xúc và suy nghĩ là chính, chứ không có sự sắp xếp ý tưởng, lên đề cương chi tiết.