Cơn đau chân có thể chỉ âm ỉ nhưng cũng có thể dữ dội. Có những trường hợp đau dữ dội và cấp tính, nhưng cũng có trường hợp kéo dài thành mạn tính. Điều quan trọng là để giảm đau thì phải hiệu nguyên nhân gây đau, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Đau chân kéo dài không khỏi có thể là do những nguyên nhân sau:
Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi có mảng bám tích tụ trong thành động mạch, làm cản trở nguồn cung cấp máu cho chân. Chính vì dòng máu lưu thông bị cản trở nên sẽ gây đau nhức, đặc biệt là khi vận động. Người bệnh còn bị kèm theo một số triệu chứng khác như chuột rút, tê hoặc yếu ở chân.
Chèn ép dây thần kinh
Dây thần kinh bị chèn ép sẽ gây cảm giác tê ngứa và sau đó là đau nhức khó chịu. Nếu dây thần kinh tọa bị chèn ép thì vị trí đau nhức là toàn bộ chân.
Nguyên nhân thường gặp gây chèn ép dây thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh là ngứa ra, tê và đau lan xuống chân.
Viêm khớp
Viêm khớp là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt ở người già. Nếu xuất hiện ở chân, bệnh sẽ gây đau nhức các khớp như đầu gối, mắt cá hay khớp ngón chân.
Các loại viêm khớp phổ biến là viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout. Khi cơn đau viêm khớp ập đến, người bệnh sẽ cảm thấy đau cứng khớp và cơn đau sẽ nặng hơn khi di chuyển khớp. Các loại thuốc giảm đau thông thường có thể không mấy hiệu quả với viêm khớp. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ kiểm tra và kê thuốc phù hợp.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là các cục máu đông nằm sâu trong tĩnh mạch, thường là ở bắp chân hay đùi. Đau chân do cục máu đông thường có biểu hiện là cảm giác khó chịu kéo dài và khá giống chuột rút. Cảm giác đau nằm sâu bên trong chân chứ không phải trên bề mặt như đau cơ thông thường.
Cơn đau đi kèm với sưng, nóng và đỏ ở vùng bị ảnh hưởng. Thông thường, cơn đau sẽ xuất hiện ở bắp chân và có thể lan lên đùi. Các hoạt động như đứng hoặc đi sẽ làm cơn đau thêm nặng. Để ngăn các biến chứng như thuyên tắc mạch phổi, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt, theo Everyday Health.