Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu nói sẽ nghiên cứu lộ trình giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương, thay vì tổ chức kỳ thi toàn quốc như hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thông tin trên tại họp báo công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, chiều 29/11.
Theo ông Chương, Bộ đang nghiên cứu xây dựng thư viện, ngân hàng đề thi chung cho kỳ thi. Khi đủ điều kiện, Bộ sẽ phân cấp cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT, thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế, Bộ có thể điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.
Đề xuất giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương từng nhiều lần được đề cập. Riêng TP HCM đã kiến nghị phương án này tới bốn lần. Hồi tháng 8/2016, UBND thành phố đã trình Bộ thẩm định Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng từ năm 2017, nhưng không được phê duyệt.
Đến năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tiếp tục kiến nghị Bộ giao UBND thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, chỉ đạo tất cả khâu tổ chức thi, ra đề, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tại họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hôm 29/6, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết chủ trương chung của Chính phủ trong mọi vấn đề là phân cấp, song hiện chưa phải thời điểm để giao kỳ thi tốt nghiệp về từng địa phương.
“Mỗi địa phương tự ra đề, khó dễ khác nhau thì có đảm bảo công bằng không?”, ông Thưởng nói, lấy ví dụ hai thí sinh ở khác địa phương, cùng thi các môn Toán, Lý, Hóa, nhưng vì đề khác nhau, nên kết quả cũng sẽ chênh lệch. Trong khi đó, điểm thi tốt nghiệp THPT được nhiều đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào.
Hiện, các tỉnh, thành tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ. Kỳ thi diễn ra chung đề, chung đợt, chung kết quả. Trừ công đoạn ra đề, địa phương cơ bản làm hết các phần việc, gồm coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp. Kể từ năm 2020, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 98%.
Từ năm 2025, phương án thi thay đổi với chỉ hai môn thi bắt buộc và hai môn tự chọn để phù hợp với lứa học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước mắt cách thức tổ chức vẫn như hiện nay.