Dự án Giám sát hoạt động các đập thủy điện Mekong (MDM) cho biết: Phân tích hình ảnh vệ tinh, nhận thấy mực nước tại đập Nọa Trát Độ vào những ngày cuối tháng 10.2023, chỉ đạt dưới 50% dung tích hồ chứa. Đây là con đập lớn nhất trong chuỗi 11 con đập thủy điện trên dòng sông Mekong ở Trung Quốc. Việc này cũng sẽ gây tác động dây chuyền đến toàn bộ chuỗi đập này.
Trong năm 2022, lượng nước tích trữ tại hồ chứa của con đập này đạt 75%, năm 2021 là 76% và năm 2020 là là 97%. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino gây nên tình trạng khô hạn và mưa ít.
Lượng nước tích trữ thấp khiến hoạt động của các con đập diễn ra không đáng kể, trong tuần qua (20 – 26.11), hệ thống đập trên sông Mekong chỉ xả khoảng 227 triệu mét khối nước.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL nhận định: Hiện tượng El Nino gây nên tình trạng mưa ít trên toàn bộ lưu vực sông Mekong. Đây là lý do khiến mực nước hồ chứa của các đập thủy điện thấp. Hiện nay, ĐBSCL đang bước vào mùa khô, biểu hiện của El Nino sẽ rõ ràng hơn trong các tháng tới. Với lượng nước trong các hồ chứa thấp như thế, đến giữa mùa khô, khoảng tháng 2 – 3 mực nước có thể sẽ rất thấp. Do đó từ tháng 3 trở đi, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể gay gắt. Đặc biệt lo ngại là vùng Bán đảo Cà Mau, hạn mặn có thể gay gắt từ tháng 2 đến hết mùa khô 2024.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (SIWRP), mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang trong xu hướng giảm. Tại trạm Tân Châu trên sông Tiền vào ngày 24.11 đạt mức 2,2m, tương đương với năm 2022 và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,24m. Còn tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu là 2,24m, cao hơn năm 2022 là 0,11m và tương đương với trung bình nhiều năm. Lũ chính vụ năm nay thấp và đang xuống nhanh. Điều này khá thuận lợi cho việc xuống giống lúa đông xuân. Tuy nhiên, triều cường trong giai đoạn cuối năm 2023 vẫn ở mức cao, gây nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven biển.
Xem nhanh 12h ngày 29.11: Vợ chồng cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức hầu tòa