Giảm tải cho thí sinh và cả xã hội
Hôm nay (29.11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn.
Cụ thể, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Phương án này được đánh giá góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội; đồng thời không gây nên sự mất cân bằng giữa của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.
Trước đó, trong quá trình Bộ GD–ĐT xây dựng, xin ý kiến góp ý về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều chuyên gia, giáo viên lẫn học sinh đồng tình với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.
Quay về số môn thi cách đây hơn 40 năm
Sau năm 1975, ở miền Nam thực hiện giáo dục hệ 12 năm, cấp III (THPT) phân ban. Theo đó, học sinh được chọn một trong 4 ban sau: ban A (văn–sử–địa), ban B (văn–ngoại ngữ), ban C (toán–lý), ban Đ (hóa–sinh). Học sinh các ban đều học tất cả các môn, nhưng nội dung kiến thức và thời lượng học từng môn là khác nhau, tùy theo ban.
Việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn theo từng ban: ban A (thi 4 môn toán, văn, sử, địa); ban B (toán, văn, ngoại ngữ, sử), ban C (toán, văn, lý, hóa), ban Đ (toán, văn, hóa, sinh). Hai môn toán, văn tất cả các ban đều thi nhưng mức độ đề thi khó dễ khác nhau tùy theo ban.
Việc thi tốt nghiệp 4 môn ở miền Nam như trên được thực hiện trong giai đoạn 1976–1980. Sau thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ thi vào đại học theo 3 khối: A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa).
Thí sinh dự thi khối C chiếm tỷ lệ thấp, do nghề nghiệp liên quan đến khối thi này ít hơn các khối khác. Tuy nhiên, xã hội cũng không băn khoăn về việc học sinh ít dự thi môn sử, bởi nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng lòng yêu nước cho học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện với nhiều môn học khác nhau và qua hoạt động xã hộị, hoạt động Đoàn-Đội. Học sinh được được học lịch sử cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT.
Điểm đáng chú ý trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn này là coi thi và chấm thi rất nghiêm túc, không có dạy thêm, học thêm, nhà trường chỉ thực hiện ôn tập thi cho học sinh một số buổi.
Đến lớp 12, học sinh đã biết trước và chuẩn bị tập trung nhiều hơn cho các môn thi tốt nghiệp THPT, thi đại học (nếu đăng ký dự thi). Đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học đều là dạng tự luận, các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoài phần lý thuyết có thêm phần giải toán.
Hạn chế trong việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn giai đoạn 1976–1980 là hình thức đề thi tự luận, nặng về kiểm tra kiến thức nên học sinh thường phải học thuộc lòng, có khi phải học thuộc sách giáo khoa lớp 12, theo phương thức “tụng bài”.
Một số học sinh ban C (thi tốt nghiệp toán, văn, lý, hóa) nhưng thi đại học khối B (toán, hóa, sinh), ngược lại có bạn ban Đ (toán, văn, hóa, sinh) nhưng lại thi đại học khối A (toán, lý, hóa), là do chọn ban sai.
Thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới so với 40 năm trước đây
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 cũng có 4 môn. Như vậy, về số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi của mình sẽ dự thi là hoàn toàn giống với thi tốt nghiệp THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây) và yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không là kiến thức, kỹ năng như trước đây. Vì vậy, cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, tuyển sinh đại học ở một tầm cao mới.