Kế hoạch được thông tin trước đó, cuối giờ chiều ngày 29/11, Bộ GD&ĐT họp báo, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Tuy nhiên, từ trưa nay, khắp các trang mạng xã hội đã râm ran phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc là toán, văn và hai môn tự chọn).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc thông tin lộ lọt trước thời điểm công bố, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) giải thích, trước buổi họp báo, nội dung thông tin đã phải qua rất nhiều khâu chuẩn bị.
Ông Chương khẳng định, Bộ GD&ĐT đang xác minh việc lộ lọt thông tin ra bên ngoài trước khi diễn ra họp báo công bố thông tin phương án thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trao đổi thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, quyết định về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được ký ngày 28/11, lịch tổ chức họp báo công bố là ngày 29.
Ông Thưởng giải thích: “Quyết định này không phải văn bản mật nên không xác định ở đây có việc lộ, lọt tài liệu. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn thấy đáng tiếc khi để xảy ra việc thông tin lan truyền một cách không chính thức trước họp báo”.
Nói về định hướng xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho hay, Bộ GD&ĐT dựa trên 3 nguyên tắc lớn.
Thứ nhất, căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các từ khóa như “kỳ thi phải giảm áp lực”, “gọn nhẹ”, “giảm tốn kém cho xã hội”.
Thứ hai, cuộc thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục 2018.
Thứ 3, kế thừa kinh nghiệm của những năm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, phương án thi bắt buộc hai môn toán, văn kết hợp hai môn tự chọn được nhiều chuyên gia lựa chọn.
Bộ GD&ĐT cũng lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10.
Kết quả, sáu chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc, 3 ý kiến chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và một ý kiến khác.
Dựa trên kết quả này cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.
Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi 3 buổi, giảm số buổi thi so với hiện nay.
Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.
Tuy nhiên phương án này, nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Ngoài phương án 2+2, có hai phương án khác được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ trong cuộc họp sáng 15/11.
Cụ thể, phương án thi 3 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và hai môn tự chọn (phương án 3+2).
Phương án thi bốn môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và hai môn tự chọn.
Kết quả khảo sát các phương án thi do Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 10 vừa qua (Ảnh: Bộ GD&ĐT).
Theo kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 10 vừa qua, khoảng 26-30% người khảo sát ủng hộ phương án lựa chọn 4+2, tức thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Với lựa chọn 3+2 được khoảng 70% người tham gia khảo sát, tức thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn lịch sử).
Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).