Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Nó đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận sự yêu thương và chăm sóc của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm quyền trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) và mở cho các nước ký, phê chuẩn và tham gia theo Nghị quyết số 44/25.
Đây là tuyên bố đầy đủ nhất về quyền trẻ em từng được đưa ra và là hiệp ước quốc tế về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. UNCRC có hiệu lực từ ngày 2/9/1990.
Việt Nam luôn thực hiện tốt các cam kết quốc tế về quyền trẻ em
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã ký và phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Hơn 30 năm qua, với tư cách là quốc gia thành viên UNCRC, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết quốc tế của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện trách nhiệm, sự nghiêm túc của quốc gia thành viên trong thực hiện báo cáo định kỳ thực hiện UNCRC, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đảm bảo tốt nhất quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Ngày 27/12/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức hội thảo giới thiệu Khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) về báo cáo quốc gia lần 5 và 6 của Việt Nam.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Ủy ban CRC đánh giá cao quá trình chuẩn bị báo cáo cũng như trả lời danh mục các nội dung quan tâm của Ủy ban và tham gia đối thoại nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam.
Các thành viên Ủy ban CRC đều hoan nghênh thành tựu đạt được của Việt Nam thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, chính sách cũng như các biện pháp thực hiện của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo vệ quyền trẻ em. Quá trình xây dựng báo cáo quốc gia có sự tham gia của các Bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em đến chuẩn bị đối thoại với Ủy ban CRC.
Trong phiên họp, các thành viên Ủy ban CRC đã đưa ra hàng trăm câu hỏi đối với Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng đã trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trọng tâm và cũng rất đầy đủ với các thành viên Ủy ban CRC.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc các thành viên Ủy ban CRC đưa ra nhiều câu hỏi như vậy cũng thể hiện sự quan tâm đối với các thành tựu cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt để hướng tới giúp Việt Nam làm tốt hơn nữa việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc.
“Có thể nói, đánh giá chung về kết quả báo cáo và các kết quả đạt được lần này của Việt Nam là rất tích cực”, bà Hà nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn xem xét kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch triển khai các khuyến nghị của Ủy ban thông qua các chương trình hành động, các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đề án, dự án về trẻ em.
“Việt Nam đã thể hiện là một nước thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Công ước quyền trẻ em, coi đó là công tác quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Thông qua phiên đối thoại lần này, nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp, mô hình của Việt Nam đã được chia sẻ với các thành viên của Ủy ban CRC và các quốc gia khác trong tiến trình thúc đẩy và bảo đảm quyền trẻ em”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Liên hợp quốc đánh giá cao thành tựu của Việt Nam
Cũng tại hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết thêm, trong kỳ báo cáo lần 5 – 6, Ủy ban CRC đánh giá Việt Nam đạt được kết quả toàn diện.
Thứ nhất, Ủy ban CRC đánh giá cao Việt Nam về những tiến bộ trong xây dựng và sửa đổi luật pháp, đặc biệt là Luật Trẻ em năm 2016 so với Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004.
Trong đó, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rộng hơn các nội dung về quyền trẻ em, đồng thời phạm vi áp dụng của hầu hết các điều khoản cũng đã được mở rộng (các quyền của trẻ em không chỉ được bảo đảm đối với công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam).
Luật Trẻ em năm 2016 cũng đưa ra một cơ chế rõ ràng hơn cho công tác lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện quyền của trẻ em ở tất cả các cấp quản lý, đồng thời đảm bảo phân bổ các nguồn lực thích hợp cho việc bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Ngoài ra, Luật Trẻ em năm 2016 quy định tổ chức phối hợp liên ngành mới cho trẻ em do Thủ tướng Chính phủ thành lập để chỉ đạo, phối hợp và hài hòa việc xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng như thực hiện các quyền của trẻ em. Luật còn có một chương mới về quyền tham gia của trẻ em (Chương V) và quy định chi tiết hơn về bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ và chăm sóc thay thế (Chương IV).
Luật Trẻ em năm 2016 cũng đưa ra định nghĩa và quy định đầy đủ hơn về các nhóm “trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,” chuyển từ cách tiếp cận tình huống và từng đối tượng sang cách tiếp cận mang tính hệ thống, đáp ứng đầy đủ và liên tục các cách thức phòng ngừa, cung cấp dịch vụ can thiệp và ứng phó sớm dựa trên nhu cầu cá nhân của trẻ và gia đình.
Thứ hai, Ủy ban CRC cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và phát triển bền vững.
Chính phủ không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn chú trọng phát triển xã hội, trong đó có các vấn đề mật thiết liên quan đến trẻ em như giáo dục đào tạo, y tế, xóa đói giảm nghèo… nhằm đảm bảo quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng.
Thứ ba, Ủy ban CRC quan tâm tới các vấn đề mới liên quan đến quyền trẻ em trong bối cảnh có nhiều thay đổi. Ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và đời sống nhân dân cũng như việc thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam.
Đặc biệt từ năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam tái khẳng định, việc Việt Nam tham gia tích cực vào cơ chế đối thoại của Ủy ban CRC và thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CRC rất có ý nghĩa với việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam.
Trước hết, sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong cơ chế đối thoại của Ủy ban CRC thể hiện việc Việt Nam đã thực hiện một cách có trách nhiệm nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của UNCRC.
Từ quá trình tham vấn và xây dựng báo cáo quốc gia, đối thoại với Ủy ban CRC, xem xét, chấp thuận và triển khai các khuyến nghị thông qua Chương trình hành động của Chính phủ, Việt Nam đã thể hiện là một nước thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện UNCRC, góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Ý nghĩa thứ hai là qua quá trình này, Việt Nam đã chia sẻ được với các thành viên của Ủy ban CRC và với các quốc gia khác kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy và bảo đảm quyền trẻ em.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Việt Nam cũng có cơ hội được trao đổi với Ủy ban về các vấn đề, thách thức cần phải vượt qua, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm của quốc tế để có thể làm tốt hơn công tác này ở trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp thu được nhiều kinh nghiệm để đưa vào các kế hoạch, chiến lược biện pháp cụ thể để quá trình triển khai làm sao đảm bảo tốt hơn quyền trẻ em ở Việt Nam.
Thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam, ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện quyền trẻ em.
“Hơn 30 năm trôi qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện quyền trẻ em như đã giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; tăng tỷ lệ tiêm chủng, cải thiện chăm sóc sức khỏe; tăng tỷ lệ trẻ em đi học; hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại”, bà Loan khái quát.
Bên cạnh đó, bà Loan cũng bày tỏ quan ngại về những bất bình đẳng trong việc thụ hưởng quyền của trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi vấn đề di cư…
Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em cho rằng, bản báo cáo lần 5 và 6 là khuôn khổ toàn diện để xem xét và đánh giá lại tình hình thực hiện quyền trẻ em, góp phần xây dựng chính sách, luật pháp và kế hoạch và thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam.
Đại diện UNICEF Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp nhằm cải thiện việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh thêm những vấn đề then chốt cần hành động cụ thể như sửa đổi định nghĩa “trẻ em” trong Luật Trẻ em; tăng cường ngân sách cho dịch vụ bảo vệ trẻ em; cải thiện chất lượng giáo dục và giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công, đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương…
“Thực hiện quyền trẻ em là sứ mệnh của UNICEF, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, các Bộ, ngành, tổ chức, người dân và trẻ em Việt Nam để cùng thảo luận, xây dựng kế hoạch hành động để triển khai hiệu quả những khuyến nghị của Ủy ban CRC”, bà Loan cho hay.
Hoa Vũ