Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023 (Vietnam – Asia Smart City Summit 2023) đã chính thức khai mạc.
Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức với chủ đề Khai thác dữ liệu – Xây dựng Thành phố thông minh, phát triển bền vững. Đây là năm thứ 7 chương trình được tổ chức.
Vietnam – Asia Smart City Summit 2023 với Phiên khai mạc và 9 phiên chuyên đề chia làm 3 tuyến:
Thứ nhất: Chính quyền, Người dân và Doanh nghiệp – Hướng tới chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm xây dựng cơ chế, phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) để kiến tạo một môi trường sống thông minh hơn, hiệu quả, tiện ích hơn cho con người, doanh nghiệp, không phải nhằm xây dựng một đô thị số thay cho đô thị thực;
Thứ hai: Công nghệ, Dữ liệu và Kết nối – Hướng tới giới thiệu, bàn thảo những công nghệ, ứng dụng công nghệ số, giúp kiến tạo, kết nối, phân tích xử lý, và khai thác dữ liệu số;
Thứ ba: Hợp tác và Phát triển – Hướng tới thúc đẩy hợp tác và phát triển công nghệ, phát triển các giải pháp giúp giải quyết các bài toán cụ thể, cấp thiết của các đô thị.
Hội nghị có sự góp mặt của hơn 80 diễn giả, chuyên gia, cùng hơn 1.000 đại biểu là các lãnh đạo, nhà quản lý đến từ 11 nền kinh tế, bộ và cơ quan ngang bộ; 15 sở, ban, ngành của 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, và các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng, chuyên gia, viện nghiên cứu…
Bên cạnh các phiên thảo luận, trong khuôn khổ sự kiện còn có triển lãm với gần 30 gian hàng, giới thiệu các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ phát triển ĐTTM tại Việt Nam và khu vực.
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển ĐTTM, hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện.
Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA cho biết: “Các doanh nghiệp công nghiệp cũng nỗ lực hết mình đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng ĐTTM. Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 IOC cấp tỉnh và 45 IOC cấp huyện. Viettel đã khai trương IOC cho hơn 30 địa phương.
FPT cũng đang nỗ lực tư vấn cho các thành phố đưa tính thông minh và hạt nhân trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quy hoạch, phát triển đô thị. Các doanh nghiệp công nghệ khác đã và đang sáng tạo, đưa những giải pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất như AI, internet vạn vật (IoT), bản đồ số 3D… giúp thông minh hóa công tác quản lý, điều hành các sở, ngành, các khu đô thị, các khu công nghiệp trên cả nước, và đang hướng tới các bài toán quản trị, khai thác dữ liệu số.
Tuy nhiên, xây dựng ĐTTM tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Thêm vào đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu”.
Nhiều kinh nghiệm hợp tác khai thác dữ liệu số, cơ chế thực thi của các đô thị như Jakata – Indonesia, Huế, Đà Nẵng, cũng như từ các đơn vị tư vấn triển khai như Viettel, VNPT, FPT… đã được chia sẻ. Rất nhiều các nền tảng, giải pháp thông minh đã được các chuyên gia, lãnh đạo trong nước và quốc tế giới thiệu tại hội nghị như: nền tảng Cloud, giải pháp 5G, sản phẩm AIoT, trợ lý ảo, AI trong y tế, giao thông, di chuyển thông minh…
Từ góc tiếp cận đó, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như đặc thù của từng đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần có một lộ trình thông minh hóa và phát triển đô thị bền vững, có sức chống chịu cao, gắn việc quản lý, quản trị với xây dựng hạ tầng dữ liệu để kết nối liên thông và khai thác hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị. (Ảnh: Vân Chi) |
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị… Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “Phát triển ĐTTM chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.
Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Các đơn vị liên quan cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội”.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội kỳ vọng: Đối với Hà Nội, thành phố lựa chọn cách tiếp cận “Xây dựng Thành phố thông minh” bền vững, hành động thực chất vì lợi ích chung trước mắt và vì trách nhiệm mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai. Đặc tính “bền vững” của thành phố sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.
Nhiều giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ phát triển ĐTTM tại Việt Nam và khu vực đã được giới thiệu tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
Ông Trần Sỹ Thanh nói: “Trước những biến chuyển không ngừng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ số và công nghệ khai phá dữ liệu ngày càng hiện diện sâu rộng trong mọi mặt đời sống, khả năng phân tích và khai thác dữ liệu ngày càng cao, chúng tôi hy vọng nội dung Hội nghị với phiên khai mạc có chủ đề Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững sẽ vô cùng hữu ích đối với thành phố. Từ đó, góp phần giúp thành phố lựa chọn và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh, bao trùm, bền vững”.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng hy vọng các tỉnh, thành phố, các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp tham dự có thêm góc nhìn mới trong xây dựng thành phố thông minh”.
Bên lề Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023, còn có các không gian và hoạt động sôi động khác như: Triển lãm các thành tựu và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng ĐTTM của doanh nghiệp, tổ chức; Các hoạt động kết nối hợp tác, tư vấn triển khai thành phố thông minh…
Trong ngày 2 của Hội nghị, những xu hướng phát triển Smart City nổi bật tại Việt Nam sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và công bố cùng Lễ công bố và Vinh danh Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023.