Địa đạo Phú An – Phú Xuân (xã Đại Thắng, Đại Lộc) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002. Giai đoạn 2011 – 2013, Sở VH-TT&DL từng triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích. Song công trình sau trùng tu, tôn tạo đến nay chưa được khai thác đúng mức, nguyên nhân chủ yếu là đường hầm thường xuyên bị ngập trong nước…
Trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967, cuộc chiến tranh tại Việt Nam nói chung, Quảng Nam và vùng Đại Lộc nói riêng đi vào giai đoạn ác liệt. Tháng 3/1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam nước ta, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ.
Tại Đại Lộc, quân ngụy ráo riết củng cố xây dựng đồn bốt, ra sức càn quét, đánh phá lấn chiếm vùng giải phóng, đẩy dân vào khu dồn, hòng chia cách quân và dân ta. Huyện ủy Đại Lộc đã chỉ đạo lực lượng cách mạng gấp rút chuẩn bị cơ sở, phương tiện để bộ đội, du kích bám trụ chiến đấu bảo vệ xóm làng. Địa đạo Phú An – Phú Xuân thuộc xã Lộc Quý (nay là xã Đại Thắng) ra đời trong bối cảnh đó.
Công trình được xây dựng ở vùng B Đại Lộc, biểu tượng “Thành đồng Tổ quốc”. Địa đạo có chiều dài hơn 800m, nằm sâu dưới lòng đất, có chỗ sâu tới 2m. Nơi đây có 21 ngõ ngách và hệ thống giao thông hào, lối đi chằng chịt xuyên qua dưới nền nhà dân, bụi cây, lũy tre… cùng với hệ thống lỗ thông hơi.
Đây từng là nơi làm việc của Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), đồng chí Chu Huy Mân, Đoàn Khuê cùng nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao khác chỉ huy chiến trường…
Năm 2002, Địa đạo Phú An – Phú Xuân đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2011, Quảng Nam đã đầu tư 3,2 tỷ đồng tôn tạo địa đạo, đến năm 2013 hoàn thành.
Việc trùng tu cũng chỉ dừng ở mức mang tính gìn giữ biểu tượng của di tích vì có nhiều đoạn đã bị sập, bít kín lối, chỉ tôn tạo được 145m bằng cách đổ bê tông cốt thép hình vòm nhằm chống sạt lở, vách địa đạo trát vữa giả đất cùng với 3 miệng hầm lộ thiên, trong đó có một miệng hầm các bậc cấp lên xuống và một số hạng mục khác.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục, từ bồi thường giải tỏa tới trùng tu và phục hồi nguyên trạng một số địa điểm chính như miệng, hầm địa đạo, nhà chỉ huy, phòng hội họp, nơi trưng bày hiện vật, tranh ảnh kháng chiến, cũng là nơi đón tiếp và giới thiệu về di tích…
Từ năm 2013, công trình trùng tu, tôn tạo đã hoàn thành, song khâu bàn giao – tiếp nhận di tích sau tu bổ giữa Sở VH-TT&DL và Phòng VH-TT huyện, UBND xã Đại Thắng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là đơn vị thi công vẫn chưa thể xử lý được tình trạng nước thấm vào lòng địa đạo dâng cao lên tới miệng hầm.
Năm 2016, di tích địa đạo Phú An – Phú Xuân được huyện bàn giao cho UBND xã Đại Thắng quản lý và cấp thêm 5 triệu đồng/tháng để xã trả cho suất bảo vệ 2 triệu đồng, nhân viên thuyết minh 2 triệu đồng và chi phí điện, nước 1 triệu đồng. Tuy nhiên hiện khách tham quan đến cũng chỉ đứng trên mặt đất ngắm nhìn được 3 miệng hầm, vài chục lỗ thông hơi, còn trong lòng đường hầm bì bõm nước.
Theo ông Trương Văn Tám – cán bộ văn hóa xã hội, UBND xã Đại Thắng, việc khai thác di tích phục vụ tham quan gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi có đoàn là khách nước ngoài hay cựu binh thăm lại chiến trường xưa, xã cử người xử lý, hút cạn nước trong lòng địa đạo để phục vụ.
Về vấn đề nước thấm tràn đầy đường hầm, theo nhiều cán bộ lão thành cách mạng của xã, địa đạo ngày trước chỉ toàn bằng đất thịt, không hề có xi măng, sắt thép can thiệp.
Có thể, quá trình trùng tu, việc khoét quá sâu xuống lòng đất nên nước từ bên dưới trồi lên, hai bên thành hầm địa đạo tô vữa chống thấm không tốt nên nước thường xuyên ứ đọng. Với vai trò và tầm vóc to lớn của một di tích cấp quốc gia, các đơn vị liên quan cần có biện pháp khắc phục tình trạng nước ngập trong lòng địa đạo nhằm tạo điều kiện khai thác di tích hiệu quả hơn.