Trong hơn 100 năm thái bình dưới thời Trần, qua các điền trang thái ấp nhà Trần, sự di dân từ nơi khác đến mà vùng đất Hải Đông – An Bang ngày một đông đúc. Sang tới thời Lê, quá trình này tiếp tục được mở rộng.
Theo các tư liệu lịch sử và dấu ấn để lại qua các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên đất Quảng Ninh có thể thấy, sau chiến thắng quân Minh, năm 1428, nhà Lê được thành lập, thương cảng Vân Đồn đã trở lại giao thương nhộn nhịp.
Tại vùng cửa sông Bạch Đằng – bãi chiến trường xưa – nay là vùng đất giàu hải sản, giàu tiềm năng. Năm 1434, có 17 vị ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long đã xuôi dòng tới đây, dựa vào các đượng đất cao trên triều cùng cả vạn chài quai đê lấn biển, lập nên phường Bông Lưu, sau là xã Phong Lưu gồm 3 thôn: Cẩm La, Yên Đông, Phong Cốc. Một thời gian sau, có thêm các gia đình khác cũng tìm đến lập nghiệp, lập nên các thôn Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.
Cũng trong thời gian này ở phía Đông xã Phong Lưu có thêm các vị chiêu tập dân chài quai đê lấn biển lập nên xã Vị Dương nay thuộc xã Liên Vị; sau đó lần lượt các xã Lương Quy (nay là xã Liên Hòa), xã Hải Triều (nay là phường Yên Hải), xã Hưng Học (nay là phường Nam Hòa) dần ra đời. Đảo Hà Nam từ cồn bãi hoang vu, nước chua phèn qua bàn tay, khối óc và sự chinh phục của lớp lớp thế hệ đã dần trở nên trù phú. Các làng xã ngày một mở rộng phát triển thành 8 xã, phường với hàng vạn dân như ngày nay.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các vị tiên công có công quai đê, lấn biển, lập làng, nhân dân đã lập miếu (đền) thờ gọi là miếu Tiên Công, nay thuộc xã Cẩm La, TX Quảng Yên. Miếu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia ngày 9/2/1990.
Lễ hội miếu Tiên Công được tổ chức vào ngày 6-7 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày lễ, các gia đình trong dòng họ tiên công có cha mẹ, ông bà tuổi tròn 80, 90 hoặc 100 làm lễ khao thọ sau đó rước các cụ lên miếu để lễ, cảm ơn tiên tổ. Trong lễ, hai cụ già sẽ thực hiện nghi lễ đắp đê và đấu vật tượng trưng để giáo dục con cháu về truyền thống quai đê lấn biển xưa kia của tổ tiên.
Miếu Tiên Công không chỉ là nơi tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Tiên Công có công quai đê lấn biển, gây dựng nên vùng đất đảo Hà Nam ngày nay mà còn giáo dục cho các thế hệ con cháu hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và luôn nhớ về cội nguồn dân tộc. Lễ hội Tiên Công cũng đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm thu hút rất đông du khách thập phương đến dự.
Cho đến thời Hậu Lê, dân cư và hành chính ở An Bang tiếp tục mở rộng. Giống như ở Hà Nam, vùng đất Trà Cổ, Móng Cái đã hình thành các làng xã từ các cuộc di dân như thế. Lịch sử, truyền thuyết đã ghi lại có những gia đình ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã di cư ra Trà Cổ vào thế kỷ XVI. Bấy giờ Trà Cổ cũng hoang vu. Một số gia đình không trụ được đã quay về nhưng một số khác quyết ở lại khai phá, lập nghiệp, dẫn tới sự hình thành các xóm làng. Câu ca dao lưu truyền “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” là để chỉ nguồn gốc của người Trà Cổ là thế.
Ngay từ khi mới hình thành, người Trà Cổ sống chủ yếu vào khai canh, đánh cá. Sau Trà Cổ, các làng khác dần được hình thành gồm Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Sa, Sa Vĩ, Ngọc Sơn và Bình La. Về sau, Trà Cổ lại tách ra thành hai xã Trà Cổ ở phía Bắc và Bình Ngọc ở phía Nam. Bình Ngọc gồm hai thôn Ngọc Sơn và Bình La. Trà Cổ là những thôn còn lại. Một con đê được đắp nối Trà Cổ vào đất liền và quãng đầm cũ ngăn cách Trà Cổ và Móng Cái cũng bị lấp dần vào thế kỷ XX. Ngày nay, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ du lịch là hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân Trà Cổ.
Năm 1998, đồng thời với việc thành lập TX Móng Cái từ huyện Hải Ninh, phường Trà Cổ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và người của xã Trà Cổ. Phường Trà Cổ giáp với phường Hải Xuân và Bình Ngọc.
Giống như lễ hội miếu Tiên Công, lễ hội đình Trà Cổ tổ chức hằng năm (1/6 âm lịch) là dịp người dân Trà Cổ tưởng nhớ tổ tiên ở Đồ Sơn, tri ân những tiên công có công khai phá, lập làng, hình thành nên vùng đất Trà Cổ đẹp giàu như ngày nay.